Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức hàng năm từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 8 tại hơn 170 quốc gia nhằm khuyến khích việc nuôi còn bằng sữa mẹ và nâng cao sức khỏe trẻ em trên toàn thế giới. Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn bắt đầu trong vòng 1 giờ sau sinh cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi. Sau đó, trẻ cần được ăn dặm và tiếp tục bú sữa mẹ cho tới 2 tuổi hoặc hơn
Chủ đề của Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017 là: “Cùng nhau duy trì việc khuyến khích, hỗ trợ và bảo vệ nuôi con bằng sữa mẹ” (Sustaining breastfeeding toghether) Nhằm kêu gọi hành động hỗ trợ bà mẹ vừa nuôi con vừa làm việc. Cho dù người mẹ đi làm việc bên ngoài hay nội trợ ở nhà thì người mẹ đều đó có quyền được nuôi con bằng sữa mẹ. Trên thế giới, chỉ 40% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn (sữa mẹ là thức ăn duy nhất) trong sáu tháng đầu đời. Đây là thông tin được đưa ra theo Bảng xếp hạng nuôi con bằng sữa mẹ toàn cầu, một báo cáo mới được UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố. Chỉ 23 quốc gia có tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trên 60%. Một phân tích mới chỉ ra rằng chỉ cần đầu tư mỗi năm 4,70 đô la Mỹ cho một trẻ sơ sinh là đã giúp tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đối với trẻ dưới sáu tháng tuổi lên 50% đến năm 2025. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ: - Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời sẽ có 1 sự khởi đầu tốt nhất. - Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển toàn diện thể chất và não bộ của trẻ. - Sữa mẹ bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm, tiêu chảy và những bệnh nguy hiểm khác. - Sữa mẹ bảo vệ trẻ khỏi béo phì và các bệnh không lây truyền như suyễn, đái tháo đường… - Nuôi con bằng sữa mẹ giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng, giảm thiếu máu và loãng xương. - Nuôi con bằng sữa mẹ nâng cao tình cảm giữa mẹ và con. - Phụ nữ giảm bớt thời gian pha sữa, cũng như thời gian chăm sóc con bệnh.