Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có màng giả ở amidan, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. 

Bệnh bạch hầu
Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc, qua các đồ dùng. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ có nhiều biến chứng, khả năng tử vong cao.
A. CÁC THỂ BỆNH BẠCH HẦU
1. Bạch hầu thể họng thông thường:
- Thời kỳ nung bệnh 2-5 ngày (không có triệu chứng lâm sàng).
- Sau đó là thời kỳ khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ (38-38,5 độ C), sổ mũi 1 hoặc 2 lần, niêm mạc họng đỏ, kém sáng hơn. Xuất hiện những chấm trắng mờ và mỏng, hạch dưới hàm sưng to và đau.
- 2-3 ngày sau là thời kỳ toàn phát, trẻ cảm thấy khó nuốt, nuốt vướng, đau cổ họng, người mệt mỏi xanh xao. Trong họng xuất hiện màng trắng ngà, dính chặt vào lớp thượng bì bên dưới, khi bong tróc rất dễ chảy máu. Màng giả này lan tràn rất nhanh ở 1 hoặc 2 bên amiđan. Bệnh nhân sốt khoảng từ 38 đến 38,5 độ C và ở tình trạng nhiễm độc, da xanh tái, mạch nhanh, huyết áp hạ.
2. Bạch hầu ác tính: gồm 2 thể.
- Thể tiên phát xuất hiện ngày đầu hoặc ngày thứ 2 của bệnh, với những dấu hiệu đột ngột như sốt cao (39-40 độ C) mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amiđan, hơi thở hôi, hạch cổ sưng to, cổ bạnh ra. Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, sốt cao, xuất huyết nhiều nơi, khi uống nước sẽ bị sộc ra mũi, huyết áp hạ, mạch nhanh. Bệnh nhân có thể bị tử vong.
- Thể thứ phát thường xuất hiện sau bạch hầu họng thông thường do điều trị muộn.
3. Bạch hầu thanh quản: Phần lớn do bạch hầu họng thể thông thường không được điều trị kịp thời gây ra. Ở thể này, màng giả lan xuống tận thanh quản.
4. Bạch hầu mũi: Rất hiếm gặp. Ngoài các triệu chứng sốt nhẹ, da xanh, ăn hay bị nôn, bệnh nhân còn bị lở trong lỗ mũi và cánh mũi.
B. BIẾN CHỨNG
1.Viêm cơ tim: Đây là biến chứng thường gặp nhất, do ngoại độc tố bạch hầu gây ra. Viêm cơ tim có thể xuất hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 của bệnh, nhưng cũng có thể muộn hơn, từ 15 đến 40 ngày. Ngoài ra có thể có những biến chứng về tim mạch khác.
2. Biến chứng thần kinh: Thường xảy ra sau vài tuần. Xuất hiện triệu chứng lác mắt, liệt cơ hoành, liệt một hoặc nhiều chi, đa viêm thần kinh ngoại biên.
3. Các biến chứng về thận và hô hấp.
C. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA:
Bệnh nhân bạch hầu cần được phát hiện sớm và đưa ngay tới cơ sở điều trị để được săn sóc và tránh lây lan.
Phương pháp điều trị được áp dụng là dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, giải độc tố bạch hầu… Những trường hợp khó thở, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để mở khí quản.
1. Chủng ngừa: để phòng bệnh, trẻ phải được tiêm phòng DPT đúng theo lịch của chương trình tiêm chủng quốc gia.. Lưu ý chỉ tiêm phòng cho trẻ khi trẻ ở trong trạng thái sức khỏe bình thường.
2. Đối với người tiếp xúc:
- Theo dõi tối thiểu 01 tuần.
- Nếu đã có miễn dịch ban đầu thì tiêm nhắc. Nếu không rõ thì tiêm chủng theo lịch (lứa tuổi).
3. Đối với người lành mang trùng (có vi trùng nhưng không có dấu hiệu lâm sàng): điều trị theo phác đồ
4. Cách ly bệnh nhân mắc bệnh: bệnh nhân phải được cách ly và chỉ xuất viện sau khi cấy cổ họng âm tính 3 lần, cách nhau 5 – 7 ngày.
 
 
                                                                                                 T3G/Bệnh viện quận Tân Phú


  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí