Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Cúm A/H7N9

1. Thông tin về dịch cúm A/H7N9:
Virus cúm A/H7N9 là một chủng mới, có nguồn gốc gene từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng lây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao (trên 27%). Hiện đường lây truyền của virus cúm A/H7N9 chưa được hiểu biết rõ ràng và cũng chưa có kết luận nào về sự lây truyền dịch cúm từ người sang người. Tuy nhiên đa số các ca bệnh cúm A/H7N9 được phát hiện đều có tiếp xúc gần với các loại gia cầm bị nhiễm virus cúm A/H7N9.

Cúm A/H7N9
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch cúm A/H7N9 trên người được phát hiện lần đầu tại Trung Quốc vào tháng 4/2013, sau đó một số quốc gia khác cũng phát hiện cas bệnh. Từ ngày 19/01/2017 đến 14/02/2017 phát hiện thêm 304 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, bằng ¼ tổng số cas mắc kể từ năm 2013. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người. Do nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nơi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), thêm vào đó việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập vi rút cúm A(H7N9) từ vùng vùng có dịch. Mặc dù, cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người.
2. Các triệu chứng của bệnh nhân cúm A/ H7N9:
- Sốt: Sốt cao 39 – 40 độ C.
- Đau mỏi các khớp xương, nhức đầu, buồn nôn, nôn.
- Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt hơi, đau họng...
- Ho, tức ngực, khó thở tăng dần.
- Các triệu chứng suy hô hấp: tím môi, đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp.
- Các biểu hiện nặng, nguy kịch bao gồm: thiểu niệu hoặc vô niệu, phù, suy tim, đông máu nội quản rải rác, suy gan nặng, hôn mê...
Khi có các triệu chứng nghi ngờ cần đến ngày bệnh viện để khám xác định chẩn đoán và điều trị
3. Phòng, chống và điều trị bệnh cúm A/H7N9:
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Người dân cần thực hiện:
- Tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân như: Rửa tay bằng xà phòng hoặc hóa chất sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra đường hay tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, súc miệng, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối, TB...
- Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khăn vải, sau đó hủy hoặc giặt sạch ngay.
- Nâng cao thể trạng, ăn uống dinh dưỡng hợp lý, bổ sung thêm các vitamin nhóm A, C, thường xuyên luyện tập rèn luyện tăng cường sức khỏe, duy trì cân nặng vừa phải (Tính theo chỉ số BMI).
- Điều trị ổn định các bệnh mãn tính nếu có như COPD, đái tháo đường, xơ gan. Bỏ rượu, thuốc lá, thuốc lào... nếu nghiện.
- Trang bị bảo hộ đầy đủ bao gồm: Khẩu trang, mũ, kính, găng tay...khi chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia cầm, không ăn thịt gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc mà phải đem tiêu huỷ ngay khi phát hiện.
Điều trị:
Đến nay, 2 loại thuốc có tác dụng điều trị đặc hiệu virus cúm A/H7N9 là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir được Bộ Y tế chuẩn bị sẵn để điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng tốt nhất trong thời gian 48h sau khi bị sốt nên bệnh nhân nghi mắc cúm cần đến các bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.
 
                                                                                T3G/BV QUẬN TÂN PHÚ


  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí