(*Nguồn: Internet)
Xử lý chất thải thải ra môi trường đang là vấn đề đáng lo ngại toàn cầu, lượng chất thải nhựa thải ra ngày càng nhiều, đặc biệt tăng cao trong tình hình xảy ra dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.
Mỗi ngày, môi trường sống của chúng ta phải tiếp nhận hàng trăm tấn chất thải y tế từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thải ra. Chất thải phát sinh từ cơ sở y tế là loại chất thải đặc biệt có chứa nhiều loại vi sinh vật có khả năng gây bệnh cho người, lây nhiễm cho môi trường và các sinh vật sống khác. Nếu không được xử lý đúng cách, nó là nguồn đe dọa trực tiếp tới đời sống của cộng đồng dân cư.
Chất thải y tế là gì?
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, “chất thải y tế là chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế thông thường và nước thải y tế” (Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế).
Tại sao phải phân loại chất thải?
Phân loại chất thải là nội dung trọng tâm trong công tác quản lý chất thải y tế. Việc phân loại chất thải góp phần làm giảm nguy cơ phát tán vi sinh vật gây bệnh hoặc các tác nhân có độc tính. Mỗi loại chất thải đều có phương pháp xử lý khác nhau. Bên cạnh đó, bệnh viện phải tự chi trả kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nên phân loại đúng chất thải y tế sẽ làm giảm chi phí bệnh viện phải chi trả.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện phân loại chất thải rắn như thế nào?
Tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, mỗi nhân viên của bệnh viện, mỗi người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm đến bệnh viện đều được hướng dẫn phân loại chất thải rắn theo nguyên tắc:
1. Chất thải phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh và thời điểm phát sinh;
2. Từng loại chất thải phải được phân loại riêng vào trong mỗi loại bao bì, thùng chứa đúng quy định.
3. Không được để lẫn các loại chất thải với nhau, nếu để lẫn chất thải lây nhiễm vào trong chất thải thông thường thì phải tất cả là chất thải lây nhiễm.
Chất thải rắn phát sinh từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân loại thành 03 loại: chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm, chất thải thông thường. Chất thải lây nhiễm được khái quát là loại chất thải có chứa máu, nước tiểu, phân, dịch tiết của người bệnh như gòn, gạc, găng tay y tế, khẩu trang,… Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm hóa chất và dụng cụ đựng hóa chất độc hại như dược phẩm có khả năng gây độc tế bào, thủy ngân, chất hàn răng almangan, và các chất thải nguy hại khác theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
Ngoài ra, ngày 14/11/2018 Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND về quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với nội dung: chất thải rắn sinh hoạt (thông thường) được phân loại thành các nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (lá cây, thức ăn thừa, xác động vật…), chất thải tái chế (giấy, nhựa, nilon, thủy tinh,…) và nhóm chất thải còn lại (chất thải khó phân hủy và không thể tái chế).
Tóm lại, phương pháp phân loại chất thải trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh cụ thể như sau:
Trong đó bệnh viện quận Tân Phú cũng đã triển khai đến tất cả khoa phòng. Cụ thể các khoa phòng thực hiện, chất thải y tế sẽ phân loại tại nguồn và chứa trong bao bì, thùng chứa theo quy định
Hướng dẫn phân loại chất thải rắn
Bao bì, thùng chứa, thiết bị lưu trữ, thu gom chất thải y tế cũng có quy định cụ thể như sau:
- Màu vàng: Chất thải lây nhiễm; Đối với chất thải lây nhiễm sắc nhọn phải được lưu chứa trong hộp hoặc thùng kháng thủng màu vàng;
- Màu đen: Chất thải nguy hại không lây nhiễm;
- Màu trắng: Chất thải tái chế;
- Màu xanh lá cây: Chất thải hữu cơ dễ phân hủy;
- Màu xám: Chất thải còn lại.
Sau đó, nhân viên vệ sinh sẽ tập trung tại nhà chứa chất thải đúng theo quy định
Bệnh viện quận Tân Phú đã và đang thực hiện công tác phân loại chất thải y tế như thế nào?
Bệnh viện quận Tân Phú có quy mô 325 giường bệnh nội trú, 3000 lượt khám ngoại trú mỗi ngày. Lượng chất thải phát sinh khá lớn, chỉ riêng chất thải lây nhiễm đã phát sinh trong khoảng 4000-5000 kg/tháng. Do đó, lãnh đạo bệnh viện luôn nhấn mạnh: “Phân loại chất thải y tế đúng cách là nhiệm vụ của mỗi nhân viên làm việc tại bệnh viện, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng”.
Hiện nay, Bệnh viện triển khai đầy đủ các văn bản, hướng dẫn, quy định của nhà nước về quản lý chất thải y tế: Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại, Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số quy định khác.
Hằng năm, bệnh viện đều triển khai lớp tập huấn quản lý chất thải y tế cho từng đối tượng: nhân viên y tế, bảo vệ, nhân viên hành chính, nhân viên vệ sinh
Lớp tập huấn quản lý chất thải y tế cho nhân viên trong bệnh viện
Tờ rơi truyền thông phân loại chất thải y tế cho cộng đồng người dân tại bệnh viện
Kết quả phân loại và xử trí chất thải dã góp phần nâng cao tiêu chí bệnh viện Xanh Sạch Đẹp, đơn vị đạt chuẩn văn hóa hàng năm, đặc biệt năm 2019 bệnh viện được trao chứng nhận danh hiệu “Bệnh viện xanh” do Trung ương Hội kinh tế môi trường Việt Nam bình chọn. Bệnh viện sẽ luôn và tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phân loại chất thải rắn y tế đúng cách và công tác quản lý chất thải phát sinh từ bệnh viện.
Bệnh viện quận Tân Phú nhận chứng nhận bệnh viện xanh
Máy tiệt trùng nhiệt độ thấp sử dụng công nghệ Plasma tại Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn
BS. Hoàng Thị Khánh Châu
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn