Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

BỆNH SỞI

Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi-rút sởi gây ra, có khả năng lây nhiễm rất mạnh tạo thành dịch, có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, thậm chí là tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm phòng vắc-xin. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn một nửa số quốc gia trên thế giới sẽ bùng phát bệnh sởi cao vào cuối năm 2024, chủ yếu do việc bỏ lỡ tiêm chủng trong giai đoạn đại dịch COVID-19(1).

BỆNH SỞI

 Hình 1: Khuôn mặt của trẻ mắc sởi. Nguồn: CDC

 I.TRIỆU CHỨNG

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ em thường bắt đầu xuất hiện khoảng 10 – 12 ngày sau khi trẻ tiếp xúc với virus và có thể bao gồm các biểu hiện sau:

- Sốt: là dấu hiệu đầu tiên của bệnh, thường sốt cao 39 – 40 độ C, kèm nhức mỏi người, chán ăn.

- Ho khan.

- Sổ mũi.

- Mắt sưng đỏ do viêm kết mạc, nhạy cảm với ánh sánh.

- Phát ban: hồng ban dạng sẩn, thường xuất hiện từ 3 – 5 ngày sau khi sốt, xuất hiện đầu tiên ở vùng mặt và sau tai, sau đó lan xuống thân và tay chân. Sau khi ban mất đi sẽ để lại vết thâm trên da xen kẽ vùng da lành.

- Nốt Koplik: nốt nhỏ màu trắng, kích thước bằng đầu kim, có quầng đỏ bao quanh, thường xuất hiện ở niêm mạc má vùng răng hàm, biến mất nhanh trong vòng 24 giờ.

Hình 2: Ban sởi. Nguồn: NHS inform

Hình 3: Nốt Koplik. Nguồn: Researcher

II. BIẾN CHỨNG

- Biến chứng mắt: loét giác mạc, giảm thị lực, có thể mù lòa

- Biến chứng tai – mũi – họng: viêm tai giữa (đau tai, chảy dịch/mủ tai, có thể giảm thính lực).

- Biến chứng đường hô hấp: viêm phổi (sốt cao, ho nhiều, có thể khó thở), viêm thanh quản (ho ông ổng, khàn tiếng, thở rít).

- Biến chứng đường tiêu hóa: tiêu chảy cấp, viêm loét miệng, suy dinh dưỡng (do nhiễm trùng kéo dài hoặc ăn uống kém).

- Biến chứng thần kinh: viêm não – màng não (sốt cao, đau đầu, co giật, rối loạn ý thức…).

III. ĐIỀU TRỊ VÀ THEO DÕI TRẺ MẮC SỞI

Bệnh sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng – hỗ trợ, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng. Vì vậy, khi trẻ mắc sởi, phụ huynh cần lưu ý:

- Cách ly trẻ để tránh lây nhiễm.

- Cho trẻ uống Vitamin A theo chỉ định của bác sĩ.

- Vệ sinh mắt, nhỏ rửa mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày.

- Hạ sốt bằng Paracetamol liều 10 – 15 mg/kg cân nặng khi trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên, cách nhau ít nhất 4 tiếng.

- Giảm ho bằng si-rô ho thông thường như Ho Astex, Prospan…

- Bổ sung dinh dưỡng: khuyến khích trẻ ăn uống đầy đủ dù trẻ mệt mỏi và có cảm giác chán ăn, chia nhỏ khẩu phần ăn, cho trẻ ăn đồ mềm, dễ tiêu hóa (cháo, súp), tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn bú, cân trẻ mỗi ngày để đánh giá tình trạng dinh dưỡng.

- Cho trẻ uống nhiều nước, nếu trẻ bị tiêu chảy cần bù nước cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, ở nơi thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ để phòng ngừa bội nhiễm.

- Theo dõi nhiệt độ của trẻ 2 – 3 lần trong ngày. Nếu không có biến chứng, thường trẻ sẽ hết sốt sau 4 ngày phát ban.

- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

IV. DẤU HIỆU CẦN NHẬP VIỆN

- Tất cả trẻ mắc sởi có biến chứng đều cần được nhập viện để theo dõi và điều trị kịp thời.

- Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ: trẻ sốt lại sau khi hết sốt trên 24 tiếng, sốt cao liên tục, khó thở, thở rít, lừ đừ, mất nước (môi khô, mắt trũng, uống nước háo hức hoặc không uống được), co giật, rối loạn ý thức, ăn uống kém…

V. PHÒNG NGỪA

1. Tiêm chủng

- Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất chống lại bệnh sởi. Việc tuân thủ lịch tiêm chủng còn góp phần tạo miễn dịch cộng đồng giúp ngăn chặn bệnh sởi lây lan.

- Tại Việt Nam, vắc-xin phòng bệnh sởi là vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia, vì vậy được tiêm miễn phí cho tất cả trẻ em theo lịch như sau:

       + Liều đầu tiên: khi trẻ đủ 9 tháng tuổi.

       + Liều thứ 2: khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

2. Vệ sinh cá nhân:

Bên cạnh tiêm chủng, việc thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh, sau khi ho hoặc hắt hơi, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

- Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy kín và rửa tay ngay lập tức.

- Tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh sởi.

- Thường xuyên vệ sinh và khử trùng bề mặt và đồ vật mà trẻ hay chạm vào như đồ chơi, thảm chơi, bàn ghế của trẻ…

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Bài “Bệnh sởi”, năm 2015,  Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Bộ Y Tế

- Bài “Sởi”, năm 2020, Phác đồ điều trị Nhi khoa, Bệnh viện Nhi đồng 1

- (1) Bài “WHO cảnh báo hơn một nửa thế giới có nguy cơ bùng phát bệnh sởi vào cuối năm 2024”, Báo Sức khoẻ & đời sống, https://suckhoedoisong.vn/who-canh-bao-hon-mot-nua-the-gioi-co-nguy-co-bung-phat-benh-soi-vao-cuoi-nam-2024-169240227190327828.htm

KHOA NHI BỆNH VIỆN QUẬN TÂN PHÚ

 



  
  

Liên kết website

Bản đồ vị trí