Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh đầu tiên được tổ chức vào ngày 27/12/2020, do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đồng thuận, thông qua trong Nghị quyết số A/RES/75/27 ngày 7/12/2020. Kể từ đó, ngày này càng trở nên quan trọng, ghi nhận sự cần thiết phải chuẩn bị toàn cầu cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
COVID-19 như một lời cảnh tỉnh với toàn thế giới. Hàng triệu sinh mạng đã mất, nền kinh tế bị tàn phá, hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn và cuộc sống hàng ngày của toàn nhân loại bị đảo lộn. Điều này đã cho thấy tác động xấu của các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh lớn đối với cuộc sống con người, sự phát triển kinh tế và xã hội.
Từ đây, chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào các hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm. Để có sự chuẩn bị hiệu quả, đòi hỏi phải chia sẻ thông tin, nguồn lực và kiến thức chuyên môn giữa các quốc gia và cộng đồng địa phương.
Trong năm 2024, Việt Nam đã kiểm soát tốt nhiều bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và sốt rét. Tuy nhiên, năm 2024, trên phạm vi toàn quốc, vẫn còn một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại, một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương. Để kiểm soát các dịch bệnh này, Bộ Y tế Việt Nam đang tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để chuẩn bị kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025, nhất là nâng cao năng lực dự báo và giám sát dịch bệnh.
Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang ở mức ổn định, Thành phố vẫn tiếp tục triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi và khuyến khích người dân tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để kiểm soát dịch. Nhân Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện hưởng ứng trong toàn Ngành Y tế. Theo đó, các đơn vị y tế đã tăng cường thông tin, giới thiệu về Ngày 27/12 và đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố.
Theo nguồn https://hcdc.vn