Quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 02/3/2015 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh” đã có những khuyến cáo về sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật.
1. Khái niệm
- Kháng sinh dự phòng là việc sử dụng kháng sinh trước khi xảy ra nhiễm khuẩn nhằm mục đích ngăn ngừa hiện tượng này.
- Kháng sinh dự phòng nhằm giảm tần xuất nhiễm khuẩn tại vị trí hoặc cơ quan được phẫu thuật, không dự phòng nhiễm khuẩn toàn thân hoặc vị trí cách xa nơi được phẫu thuật.
2. Phân loại phẫu thuật
- Phẫu thuật được chia làm 4 loại: phẫu thuật sạch, phẫu thuật sạch - nhiễm, phẫu thuật nhiễm và phẫu thuật bẩn.
Loại vết mổ |
Định nghĩa* |
Sạch |
- Những phẫu thuật không có nhiễm khuẩn, không mở vào đường hô hấp, tiêu hóa, sinh dục và tiết niệu. - Các vết thương sạch được đóng kín kỳ đầu hoặc được dẫn lưu kín. - Các phẫu thuật sau chấn thương kín. Sử dụng kháng sinh dự phòng với những phẫu thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ cao. |
Sạch - nhiễm |
- Các phẫu thuật mở vào đường hô hấp, tiêu hoá, sinh dục và tiết niệu trong điều kiện có kiểm soát và không bị ô nhiễm bất thường. - Trong trường hợp đặc biệt, các phẫu thuật đường mật, ruột thừa, âm đạo và hầu họng được xếp vào loại vết mổ sạch nhiễm nếu không thấy có bằng chứng nhiễm khuẩn hoặc không phạm phải lỗi vô khuẩn trong khi mổ. Sử dụng kháng sinh dự phòng. |
Nhiễm |
- Các vết thương hở, chấn thương có kèm vết thương mới hoặc những phẫu thuật để xảy ra lỗi vô khuẩn lớn hoặc phẫu thuật để thoát lượng lớn dịch từ đường tiêu hoá. - Những phẫu thuật mở vào đường sinh dục tiết niệu, đường mật có nhiễm khuẩn, phẫu thuật tại những vị trí có nhiễm khuẩn cấp tính nhưng chưa hóa mủ. Sử dụng kháng sinh điều trị. |
Bẩn |
- Các chấn thương cũ kèm theo mô chết, dị vật hoặc ô nhiễm phân. - Các phẫu thuật có nhiễm khuẩn rõ hoặc có mủ. Sử dụng kháng sinh điều trị. |
* Nguồn tham khảo: Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ (ban hành kèm theo Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 27/9/2012 của Bộ Y tế) - Bảng 3. Phân loại vết mổ và nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ.
3. Nguyên tắc sử dụng kháng sinh dự phòng
a. Chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng
- Kháng sinh dự phòng được chỉ định cho tất cả các can thiệp phẫu thuật thuộc phẫu thuật sạch - nhiễm.
- Trong phẫu thuật sạch, liệu pháp kháng sinh dự phòng nên áp dụng với một số can thiệp ngoại khoa nặng, có thể ảnh hưởng tới sự sống còn hoặc chức năng sống (phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật tim và mạch máu, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật nhãn khoa)
- Phẫu thuật nhiễm và phẫu thuật bẩn: kháng sinh đóng vai trò trị liệu.
b. Thời gian dùng thuốc
- Thời gian sử dụng kháng sinh dự phòng nên trong vòng 60 phút trước khi tiến hành phẫu thuật và gần thời điểm rạch da.
- Cephalosporins tiêm tĩnh mạch trong 3-5 phút ngay trước thủ thuật và đạt nồng độ cần thiết ở da sau vài phút.
- Vancomycin và Ciprofloxacin cần phải được dùng trước 01 giờ và hoàn thành việc truyền trước khi bắt đầu rạch da.
- Clindamycin cần được truyền xong trước 10-20 phút.
- Gentamicin cần được dùng 1 liều duy nhất 5mg/kg để tối đa hóa sự thấm vào mô và giảm thiểu độc tính. Nếu người bệnh lọc máu hoặc ClCr < 20ml/phút, dùng liều 2mg/kg.
- Đối với phẫu thuật mổ lấy thai, kháng sinh dự phòng có thể dùng trước khi rạch da hoặc sau khi kẹp dây rốn để giảm biến chứng nhiễm khuẩn ở mẹ.
- Với hầu hết các phẫu thuật chỉ nên sử dụng 1 liều kháng sinh dự phòng.
c. Bổ sung liều trong thời gian phẫu thuật
- Trong phẫu thuật tim kéo dài > 4 giờ, cần bổ sung thêm một liều kháng sinh.
- Trong trường hợp mất máu với thể tích > 1500ml ở người lớn và > 25ml/kg ở trẻ em, nên bổ sung liều kháng sinh dự phòng sau khi bổ sung dịch thay thế.
- Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như béo phì, đái tháo đường, suy dinh dưỡng…
4. Lựa chọn kháng sinh dự phòng theo phẫu thuật và liều kháng sinh dự phòng:
Tham khảo phụ lục 2 và phụ lục 3 của Hướng dẫn sử dụng kháng sinh (ban hành kèm theo Quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 02/03/2015 của Bộ Y tế).
HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ- BVQ TÂN PHÚ
Nguồn: Quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 02/3/2015 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh” |