Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới

Giãn tĩnh mạch là bệnh lý thuộc nhóm bệnh của mạch máu ngoại vi. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn gây bất tiện trong sinh hoạt, nhiều trường hợp phải cắt bỏ chân vì viêm nhiễm nặng.

Tập luyện thường xuyên có thể làm giảm bớt giãn tĩnh mạch và đồng thời làm giảm một số triệu chứng và phòng ngừa biến chứng do giãn tĩnh mạch gây ra. Dưới đây là hướng dẫn các bài tập điều trị phục hồi chức năng suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới.

Các động tác tập cần thực hiện đều đặn, nhẹ nhàng, hết tầm vận động; không vội vàng, không nín thở trong khi tập.

Bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới

1. Các bài tập ở tư thế nằm:

1.1. Gấp và duỗi khớp cổ chân:

Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 30 đến 50 độ sau đó tập duỗi khớp cổ chân, rồi gấp khớp cổ chân đến mức tối đa từ 10 đến 15 lần. Đưa chân trái về tư thế ban đầu, tập tương tự như vậy đối với chân phải. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần.

1.2. Xoay khớp cổ chân:

Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 30 đến 50 độ sau đó tập xoay khớp cổ chân từ phải qua trái rồi từ trái qua phải 10 đến 15 lần. Đưa chân trái trở về vị trí ban đầu rồi tập tương tự như vậy đối với chân phải. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần.

1.3. Bắt chéo chân:

Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, sau đó nâng hai chân lên khỏi mặt giường rồi tập bắt chéo chân trái qua chân phải rồi chân phải qua chân trái luân phiên từ 10 đến 15 lần. sau đó đưa hai chân trở lại vị trí ban đầu trên mặt giường. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.

1.4. Đạp xe đạp:

Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, nâng hai chân lên khỏi mặt giường, gấp khớp háng và khớp gối sau đó tập như là đạp xe đạp với cả hai chân từ 10 đến 15 lần. Sau đó đưa hai chân trở lại vị trí ban đầu trên mặt giường. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.

2. Các bài tập ở tư thế ngồi trên ghế:

2.1. Nâng cẳng chân:

Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc; lưng thẳng; trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai mông và hai chân. Sau đó tập luân phiên nâng bàn chân phải lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng chân phải, rồi đưa chân phải về vị trí ban đầu, tập tương tự với chân trái, mỗi chân từ 10 đến 15 lần, sau đó tập với cả hai chân như vậy. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.

2.2. Nhón gót chân:

Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp như bài tập ở trên sau đó thực hiện tập nhón gót chân (nâng chân lên cho đến khi khớp cổ chân duỗi thẳng chỉ còn các đầu ngón chân sát sàn nhà rồi đưa trở lại vị trí bắt đầu) luân phiên chân trái rồi chân phải, sau đó là cả hai chân cùng một lúc, tập từ 10 đến 15 lần như vậy. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.

2.3. Gấp và duỗi khớp cổ chân:

Người tập ngồi trên ghế như trên sau đó nâng chân trái lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng rồi tập gấp và duỗi khớp cổ chân trái đến mức tối đa (hết tầm vận động) từ 10 đến 15 lần sau đó đưa chân trái về vị trí ban đầu, tập tiếp như vậy đối với chân phải từ 10 đến 15 lần. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.

2.4. Xoay khớp cổ chân:

Người tập ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà cách nhau khoảng 20cm, sau đó nâng mũi bàn chân phải lên khỏi sàn nhà chỉ có gót chân sát trên sàn nhà rồi tập xoay khớp cổ chân vào trong, ra ngoài từ 10 đến 15 lần, rồi tập tương tự như vậy đối với chân trái và cả hai chân. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.

Người tập ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà, sau đó tập bước chân trái lên phía trước đặt gót chân trái trên sàn nhà, rồi nâng chân phải lên để mũi chân phải sát sàn nhà, sau đó chuyển chân trái ra sau đặt mũi chân trái sát sàn nhà, bước chân phải lên trước, gót chân phải sát sàn nhà luân phiên như vậy từ 10 đến 15 lần cho mỗi chân. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.

2.6. Gấp, duỗi luân phiên hai chân:

Người tập ngồi trên ghế sau đó luân phiên nhấc từng chân lên khỏi sàn nhà, gấp khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng rồi duỗi thẳng chân đó ra, đưa trở lại vị trí ban đầu, tiếp tục tập như vậy 10 đến 15 lần, tập tương tự như vậy với chân còn lại. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.

Nếu phải ngồi lâu, từ 30 phút đến 1 giờ bạn nên thực hiện các động tác tập 1 lần.

Khoa Y học cổ truyền -Vật lý trị liệu

1.     Nguyễn Xuân Nghiên, Cao Minh Châu, Trần Văn Chương, Vũ Thị Bích Hạnh (2010), “Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng - Sách chuyên khảo dùng cho cán bộ ngành Phục hồi chức năng”, Nhà xuất bản Y học.
2.     Bộ Y tế ( 2014), “ Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Phục hồi chức năng”, Nhà xuất bản Y học.

 



  
  

Liên kết website

Bản đồ vị trí