Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Bệnh tay chân miệng: dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc trẻ tại nhà

Bệnh tay chân miệng: dấu hiệu nhận biết  và cách chăm sóc trẻ tại nhà

1. NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH LÂY BỆNH

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm do vi-rút đường ruột (gọi chung là Enterovirus) gây ra, tác nhân thường gặp nhất là Coxsackie A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Nhiễm EV71 thường gây bệnh cảnh nặng nề cho trẻ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đa số ở trẻ dưới 5 tuổi, chủ yếu tập trung ở dưới 3 tuổi, và đỉnh cao là từ 1 - 2 tuổi.

Tại miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào 2 đợt là tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12. Đây là nhóm vi-rút có sức sống bền bỉ. Ở nhiệt độ 56o độ C, trong 30 phút vi-rút mới bị bất hoạt và có khả năng tồn tại từ nhiệt độ lạnh đến rất cao, ở nhiệt độ lạnh – 4o độ C, virus có thể tồn tại đến 3 tuần ngoài môi trường. Vi-rút gây bệnh TCM tồn tại trong nước bọt, dịch tiết mũi-họng, phân, dịch vỡ bóng nước trên da. Vì vậy, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và tiêu hóa. Các bề mặt trong môi trường sinh hoạt chung mà có người bệnh thường là những nơi có chứa virus, như vật dụng ăn uống, mặt bàn, ghế, giường, đồ chơi chung … Người bị bệnh tay chân miệng thường dễ lây nhất trong tuần đầu tiên bị bệnh, đôi khi có thể truyền vi-rút cho người khác trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi các triệu chứng bệnh đã mất. Trẻ em mắc bệnh chủ yếu do nuốt phải virus gây bệnh. Trẻ tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường chủ yếu thông qua bàn tay, rồi đưa lên miệng, và nuốt phải virus.

Hai năm qua do dịch bệnh COVID-19 nên trẻ chỉ ở nhà vì thế số ca mắc TCM rất ít. Hiện nay, trẻ đã đi học trở lại, ăn uống và sinh hoạt chung với nhau nên tạo điều kiện thuận lợi cho vi-rút TCM lây lan, gây bùng phát dịch bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 95% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi.

2. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH TCM

Đúng như tên gọi, biểu hiện chính của bệnh bao gồm:

+ Bóng nước trên nền hồng ban, hình bầu dục, kích thước khoảng 2-10 mm, nổi cộm hoặc ẩn dưới da, không đau. Khi bóng nước khô để lại vết thâm da, không loét. Vị trí xuất hiện là lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, và mông.

+ Vết loét đỏ hoặc bóng nước đường kính 2-3 mm ở vòm họng, niêm mạc má, nướu, lưỡi.

      Ngoài ra trẻ còn có các biểu hiện khác như sốt, khó ngủ, quấy khóc, giật mình lúc ngủ, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy, hay chảy nước dãi… Bệnh TCM có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp với các triệu chứng nặng như: lừ đừ, rối loạn tri giác, đi loạng choạng, ngồi không vững, yếu/liệt chi, lạnh toàn thân, thở mệt… dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Nếu không có biến chứng, các triệu chứng bệnh sẽ biến mất sau 7 – 10 ngày.

3. CÁCH CHĂM SÓC TRẺ TCM TẠI NHÀ

Đa số trẻ mắc TCM được điều trị ngoại trú và theo dõi tại nhà khi chỉ có triệu chứng loét miệng và/hoặc có tổn thương da, sốt không quá 2 ngày và sốt dưới 39oC (TCM độ 1)

- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi của trẻ, tiếp tục bú mẹ ở trẻ nhũ nhi. Cho trẻ ăn đồ mềm, dễ tiêu hóa, để nguội bớt trước khi ăn

- Hạ sốt khi trẻ sốt từ 38oC trở lên bằng thuốc Paracetamol liều 10-15 mg/kg cân nặng/lần (uống hoặc nhét hậu môn), cách nhau ít nhất 4 tiếng

- Vệ sinh răng miệng, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày để tránh bội nhiễm sang thương miệng và da

- Tránh kích thích trẻ, cho trẻ nghỉ ngơi.

- Cho trẻ tái khám mỗi 1-2 ngày theo lời dặn của bác sĩ, hoặc tái khám ngay khi có dấu hiệu chuyển độ nặng của TCM như:

      + Sốt cao từ 39oC trở lên.

      + Khó thở, thở nhanh.

      + Giật mình lúc ngủ, lừ đừ, run tay chân, đi đứng loạng choạng.

      + Quấy khóc khó dỗ, bứt rứt, khó ngủ, nôn nhiều.

      + Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.

      + Co giật, hôn mê.

4. PHÒNG NGỪA

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh TCM. Do đó, cách phòng ngừa bệnh Tay chân miệng hiệu quả là giữ vệ sinh sạch sẽ bắt đầu từ những hành động đơn giản như:

- Tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

- Dạy trẻ không được cho tay vào miệng hay ngậm mút đồ chơi.

- Tắm gội, thay quần áo mỗi ngày cho trẻ.

Chế biến thức ăn sạch sẽ, uống nước đun sôi để nguội.

- Vệ sinh các vật dụng của trẻ như quần áo, ly chén, đồ chơi thường xuyên bằng dung dịch khử khuẩn và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

- Bàn ghế, sàn nhà, tay vịn cầu thang, nắm cửa cần được lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn định kỳ nhất là tại các điểm trông giữ trẻ.

- Khi trẻ được xác định mắc bệnh TCM, cần cho trẻ nghỉ học và cách ly với trẻ lành ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng để tránh lây nhiễm bệnh.

Phụ huynh chăm sóc trẻ mắc bệnh TCM chú ý đeo khẩu trang cho bản thân và cả cho trẻ, rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ để tránh làm phát tán vi-rút ra môi trường.

 

KHOA NHI, BỆNH VIỆN QUẬN TÂN PHÚ



  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí