Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Các vấn đề về chăm sóc trẻ sơ sinh

Chăm sóc da, mắt, rốn đúng cách cho trẻ sơ sinh không chỉ đem lại sự thoải mái cho trẻ, giúp trẻ phát triển tốt, mà còn giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.

Các vấn đề về chăm sóc trẻ sơ sinh

1. Đại cương   

1.1.Mục đích

+ Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, ngăn ngừa các bệnh về da, tăng cường tuần hoàn da và giúp sự bài tiết da được dễ dàng hơn đem lại sự thoải mái cho trẻ.

+ Giảm nguy cơ các bệnh về mắt sau sinh.

+ Ngăn ngừa nhiễm khuẩn rốn.

1.2. Lợi ích

+ Đem lại sự thoải mái cho trẻ

+ Trẻ được sạch sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn

1.3 Những lưu ý khi chăm sóc da

+ Luôn giữ ấm không bị hạ nhiệt độ trong và sau khi tắm.

+ Tắm cho trẻ sau 24 giờ (trường hợp đặc biệt có thể tắm sau 6 giờ).

+ Đảm bảo an toàn cho trẻ.

+ Không tắm cho trẻ khi trẻ đang hạ thân nhiệt.

2. Một số vấn đề có thể xảy ra khi chăm sóc da, rốn cho trẻ

* Tổn thương da do nước quá nóng.

Phòng ngừa: Sử dụng nước ấm 37 – 38C

* Trẻ bị hạ nhiệt độ
        
Phòng ngừa:

Nhiệt độ nước tắm 37 – 380 C

Phòng tắm kín, tránh gió lùa, nhiệt độ 28 – 300 C

Tắm từng phần, ủ ấm vùng chưa tắm

* Bỏng da vùng quanh rốn do sử dụng cồn iode.

Phòng ngừa: Không được sát trùng bằng cồn iode vùng da quanh rốn.

* Nhiễm trùng rốn: Vệ sinh rốn không đúng

Phòng ngừa: Vệ sinh rốn hàng ngày, đúng hướng dẫn.

3. Các bước chăm sóc

3.1 Địa điểm

+ Phòng tắm kín gió, mùa đông có máy sưởi hoặc điều hòa.

+ Nhiệt độ phòng 280C – 300C

3.2 Dụng cụ

+ Chậu tắm (2 chiếc).

+ Khăn tắm, khăn khô, khăn lau người.

+ Áo, tã, bỉm, chăn có mũ.

+ Xà phòng tắm dành cho trẻ sơ sinh.

+ Nước sạch, nhiệt độ nước khoảng 370C­ – 380C

+ Bông, gạc, cồn Iode 1%.

+ Nước muối sinh lý 9‰.

3.3 Tiến hành

+ Rửa tay

+ Đỡ trẻ lên xoa nhẹ toàn thân, tạo thoải mái cho trẻ.

+ Rửa mặt

+ Lau mắt: Dùng khăn sạch và ấm lau từ cầu giữa của mũi lau ra phía ngoài mắt. Nếu một mắt trẻ bị đau thì lau mắt sạch trước lau mắt đau sau, không sử dụng một vị trí khăn lau 2 mắt

+ Lau phần còn lại của mặt trẻ bằng khăn mềm.

+ Vệ sinh bên ngoài vành tai.

Tắm thân

+ Cởi quần áo trẻ

+ Tay trái đỡ lưng, gáy và đầu trẻ, tay phải đỡ mông trẻ từ từ đặt trẻ vào chậu tắm.

+ Tay phải xoa nhẹ nhàng từ trên xuống dưới chú ý các nếp gấp cổ, nách, khuỷu tay, bàn tay, bàn chân. Lau rửa bộ phận sinh dục đặc biệt với trẻ gái.

+ Tay phải đỡ đầu cổ và ngực, tay trái kỳ cọ và xoa phần lưng mông.

+ Tráng người ở chậu nước tráng.

+ Lau khô, mặc áo, ủ chăn ấm cho trẻ.

Gội đầu:

+ Thay nước tắm.

+ Cho một chút xà phòng, xoa đầu trẻ nhẹ nhàng, tráng sạch rồi lau khô

Chăm sóc rốn.

+ Tháo kẹp rốn sau 48h.

+ Một tay dùng gạc vô trùng nâng cuống rốn.

+ Quan sát cuống rốn (chân, mặt cắt, dây rốn) và vùng da xung quanh.

+ Rốn tươi: Chấm cồn iode 1% từ mặt cắt của rốn xuống thân rốn, chân rốn.

+ Rốn khô: Chấm cồn iode 1% từ chân rốn lên thân rốn.

+ Sát trùng da xung quanh rốn từ trong ra ngoài, rộng khoảng 5cm bằng bông cồn 70o. Chú ý nhẹ nhàng với bệnh nhân đẻ non tránh gây tổn thương da.

+ Trong ngày đầu rốn còn tươi, có thể băng bằng gạc vô khuẩn. Những ngày sau rốn có thể để hở. Không rắc bất cứ một loại thuốc gì vào chân rốn.

 4. Theo dõi trẻ sau khi chăm sóc da, rốn, mắt

+ Theo dõi toàn trạng, tím tái, cơn ngừng thở.

+ Theo dõi thân nhiệt: ủ ấm cho trẻ sau khi tắm, cặp nhiệt độ cho trẻ nếu thấy cần.

+ Theo dõi nhiễm trùng rốn: đỏ vùng da xung quanh rốn, chân rốn rỉ dịch vàng có mùi hôi, mủ cần đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị.

+ Nếu mắt trẻ có nhiều dỉ, hoặc chảy nước mắt liên tục cần đưa đến cơ sơ sở y tế khám vì trẻ sơ sinh có thể viêm mắt hoặc tắc tuyến lệ sau sinh.

Khi cuống rốn khô lại và lành, nó có thể có màu nâu, xám hoặc đen, đó là bình thường. Thông thường sẽ không có vấn đề gì nếu bạn giữ rốn khô và sạch. Rốn sẽ rụng sau 1-2 tuần.

   

5. Một số vấn đề về rốn thường gặp:

5.1. Chảy máu rốn:

Mẹ sẽ thấy rỉ một vài giọt máu trên chỗ giữa cuống rốn đã khô và chân rốn, chảy máu do cọ xát tã vào cuống rốn. Chảy máu thường sẽ tự cầm hoặc cầm khi ấn nhẹ vùng rốn bằng miếng gạc sạch.

Nếu chảy máu dai dẳng hoặc chảy máu nhiều (vẫn còn chảy máu sau 10 phút đè ép hoặc tiếp tục chảy máu trên 3 lần), mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ, vì có thể có bệnh lý gây chảy máu rốn.

5.2. Rốn rụng muộn:

Thông thường rốn rụng sau 7-14 ngày tuổi, nhưng một số ít trường hợp có thể kéo dài > 3 tuần. Nên giữ rốn khô và kiểm tra da quanh rốn mỗi ngày. Rửa sạch chất tiết bám trên rốn một cách nhẹ nhàng và lau khô. Chú ý không được dùng cồn hoặc các chất sát khuẩn khác bôi lên rốn. Khi mặc tã, không nên để tã đè lên cuống rốn. Sau 3 tuần mà rốn chưa rụng, mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ.

5.3. Rốn rỉ dịch:

Rốn rỉ dịch hoặc bị ẩm, hoặc có ít mủ trên bề mặt, thường xảy ra sau khi rốn đã rụng, trẻ có thể bị nhiễm trùng rốn mức độ nhẹ hoặc có bệnh lý rốn khác kèm theo như tồn tại ống niệu rốn, u hạt rốn... Mẹ nên đưa bé đi khám để được tầm soát bệnh lý rốn và hướng dẫn cách chăm sóc rốn.

Lưu ý: nên để rốn thoáng, không bôi thuốc kháng sinh hay thuốc sát trùng lên rốn.

5.4. Nhiễm trùng rốn:

Là tình trạng nhiễm trùng vùng rốn và mô xung quanh rốn gây sưng, đỏ hoặc đau, chảy dịch mủ, hôi, hoặc đôi khi chỉ nhẹ như rỉ dịch hoặc chảy máu nhẹ

Hình ảnh nhiễm trùng rốn nặng

Khi em bé có dấu hiệu nhiễm trùng rốn, cần phải đưa bé đi khám. Em bé sẽ được cho uống thuốc và hướng dẫn vệ sinh rốn đúng cách và nặng hơn là phải nhập viện điều trị. Nếu em bé được uống thuốc tại nhà, phải đảm bảo rằng em bé uống đủ liều thuốc ngay cả khi rốn đã cải thiện hơn.

Các nguyên tắc chung khi chăm sóc rốn bị nhiễm trùng:

- Rửa sạch tay trước và sau khi chăm sóc rốn.

- Tã của bé phải nằm ở mức dưới rốn cho đến khi rốn lành. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu, nếu cần có thể cắt trên tã một lỗ nhỏ vùng tã đi qua rốn.

- Không nên mặc quần áo ép chặt vùng rốn.

- Không đặt bé ngâm vào thau nước tắm cho đến khi nhiễm trùng rốn đã lành.

- Không rắc bột chống hăm hoặc các loại bột khác lên rốn rỉ nước.

- Theo dõi các dấu hiệu diễn tiến nặng của nhiễm trùng như chân rốn và vùng quanh rốn sưng phồng, chảy mủ, có mùi hôi,…

Khi nào nên đưa trẻ đi tái khám ngay:

- Trẻ bị sốt.
        
- Các dấu hiệu của nhiễm trùng xấu hơn hoặc không cải thiện sau 2 ngày điều trị.

- Trẻ khóc hoặc có vẻ đau khi chạm vào rốn hoặc vùng quanh rốn.

- Chảy máu rốn nặng hơn.

- Chân rốn và vùng quanh rốn sưng phồng, chảy mủ, có mùi hôi.

- Trẻ bỏ bú.

- Trẻ ngủ nhiều hoặc giảm vận động hơn bình thường.

6.5. U hạt rốn:

Là 1 mảnh mô màu đỏ còn lại trên chân rốn sau khi rụng rốn. Nếu không được điều trị, nó sẽ rỉ dịch và gây viêm tấy kéo dài cả tháng.

U hạt rốn

Điều trị u hạt rốn bao gồm:

- Bôi thuốc lên trên mô hạt để làm nó khô đi và rụng.

- Dùng thuốc để làm đông mô hạt.

- Đốt điện mô hạt (cắt bỏ mô hạt)

Bé nên được đi khám để bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị cho bé. U hạt rốn không có dây thần kinh nên điều trị sẽ không làm đau cho bé. Sau khi điều trị, mẹ chỉ vệ sinh vùng xung quanh bằng nước sạch vài lần/ngày. Vùng mô hạt sẽ đóng mày và tự rụng.

5.6. Thoát vị rốn

Thoát vị rốn là khi khiếm khuyết một phần cơ thành bụng và một phần quai ruột sẽ chui ra chỗ khuyết đó tạo nên một khối phồng. Khối phồng sẽ to hơn khi trẻ khóc hoặc uốn vặn, và sẽ nhỏ lại khi trẻ nằm yên.

Thoát vị rốn gặp trong 10-20% trẻ sơ sinh. Thoát vị rốn không đau và không bị vỡ ra. Phần khuyết cơ này thường sẽ tự cải thiện sau 4 tuổi. Thoát vị rốn cần phải can thiệp bằng phẫu thuật khi:

- Khối thoát vị to hơn 2,5 cm.

- Trẻ vẫn còn khối thoát vị sau 4 tuổi.

- Khối thoát vị bị nghẹt không thể đẩy vào được (hiếm), trẻ sẽ đau, nôn ói. Trẻ nên được khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

 

                                                                             BS CK2 Nguyễn Thị Diệu Linh

Trưởng khoa Nhi Bệnh viện QuậnTân phú


 




  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí