Hình ảnh dị vật cản quang, đường kính khoảng 2cm tại thực quản
Ngày 11/05/2022, khoa Nhi Bệnh viện quận Tân Phú tiếp nhận một trường hợp dị vật thực quản. Bệnh nhân là bé N.M.Đ sinh năm 2018, được người nhà đưa đến Bệnh viện trong tình trạng lừ đừ, mệt mỏi, sinh hiệu bình thường. Mẹ bé cho biết: “Bé không ăn uống được, ăn vào là ói, thường hay than đau bụng, cảm giác mắc nghẹn, khó nuốt. Người nhà đã đưa bé có đưa bé đi khám bệnh nhưng cơ sở y tế ban đầu chẩn đoán là bệnh về tiêu hóa sau đó cho thuốc uống về nhà theo dõi thêm”
Khi thăm khám bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện quận Tân Phú được ba bé cho biết “nghi ngờ trong lúc chơi đồ chơi bé nuốt phải vật gì đó nhưng không chắc là có nuốt hay không”. Để có thể xác định chính xác hơn tình trạng của bé, bác sĩ chỉ định cận lâm sàng để tìm nguyên nhân, XQ ngực đã phát hiện hình ảnh dị vật cản quang ở thực quản, hình tròn, có đường kính khoảng 2cm nghi ngờ đồng xu. Do tình trạng của bé vượt quá khả năng xử trí của bệnh viện, bác sĩ tư vấn cho người nhà chuyển lên tuyến trên để kịp thời xử trí.
Qua trường hợp trên cho thấy, dị vật thực quản nếu không được phát sớm, kịp thời thì việc xử trí sẽ rất phức tạp, điều trị mất nhiều thời gian, rất tốn kém và nguy hiểm hơn là có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.
Dị vật thực quản là một cấp cứu rất thường gặp, là một tai nạn thật sự nguy hiểm tới tính mạng người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao. Dị vật thực quản thường xảy ra ở người già và trẻ em, hay nô đùa cười giỡn trong lúc ăn, tính tò mò, chưa hiểu biết,... làm trẻ dễ gặp phải tình trạng này. Dị vật thực quản chủ yếu là các loại xương động vật như xương cá, xương gà, vịt, lợn... các loại dị vật này ngày thứ hai trở đi đã có thể gây áp xe trung thất, xương nhọn có thể xuyên thủng động mạch lớn dẫn đến tình trạng nguy kịch. Cũng có thể gặp các loại dị vật khác như các loại hạt hoa quả. Ngoài ra, các dị vật có nguồn gốc vô cơ thường gặp như các loại đồ chơi, vật dụng như: đồng xu, khuy áo, kim băng, pin,... do tai nạn hoặc do tò mò mà một trong số đó bị tắc lại trong thực quản. Các loại pin dạng đĩa thì đáng lo ngại vì chúng có thể gây bỏng thực quản, thủng, hoặc rò thực quản-khí quản. Tùy vào kích thước của dị vật, mức độ nguy hiểm và vị trí của dị vật sẽ có hướng xử trí khác nhau.
Dị vật thực quản thường xảy ra ở người già và trẻ em, một số biện pháp để phòng ngừa dị vật thực quản như sau:
- Không nên ăn uống vội vàng, không nói chuyện cười đùa trong khi ăn, loại bỏ xương trước khi ăn đối với người già và trẻ em.
- Không cho trẻ chơi tiếp xúc với những vật dụng nhỏ như đồng xu, khuy áo, pin, viên bi, hạt ngọc,...
- Cha mẹ quan tâm và để ý đến trẻ nhiều hơn để ngăn chặn và phát hiện kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra.
Nếu bị dị vật thực quản, tuyệt đối không làm những điều sau đây:
- Không áp dụng những phương pháp dân gian như nuốt cơm, nuốt miếng thức ăn to để đẩy dị vật xuống làm tình trạng nghiêm trọng và khó xử trí hơn.
- Tuyệt đối không được dùng ngón tay cho vào họng để lấy dị vật ra, vì động tác này không những không lấy được dị vật ra mà còn đẩy chúng vào sâu hơn.
- Nếu dị vật là xương cá không sử dụng các mẹo chữa hóc xương cá như ngậm và nuốt vỏ cam, ngậm vitamin C, nhét tỏi vào lỗ mũi,...
Đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời và hiệu quả.
TỔ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN