Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Cảnh giác với bệnh bạch hầu Chích ngừa là biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả

Trước tình hình bệnh dịch Bạch hầu diễn biến phức tại các tỉnh Tây Nguyên, tính đến ngày 5/7/2020, toàn khu vực Tây Nguyên có 48 ca dương tính và 3 ca tử vong tại Đắk Nông (02 ca), Gia Lai (01 ca). Ngày 2/7/2020, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức lớp tập huấn tăng cường công tác điều trị bệnh Bạch hầu, sốt xuất huyết Dengue và bệnh dịch COVID-19 tại Đắk Lắk cho các tỉnh trên nhằm tăng cường phát hiện sớm, cách ly kịp thời, điều trị và theo dõi người bệnh Bạch hầu hạn chế mức thấp nhất tỉ lệ tử vong.

Cảnh giác với bệnh bạch hầu Chích ngừa là biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

2. Triệu chứng nhiễm bệnh bạch hầu

Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm: Sốt, ớn lạnh, sưng các tuyến ở cổ, ho, viêm họng, sưng họng, da xanh tái, chảy nước dãi, có cảm giác lo lắng, sợ hãi.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm: khó thở hoặc khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp, các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh

3. Biến chứng của bệnh bạch hầu:

Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường xấu, tỉ lệ tử vong rất cao.

Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đếndây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.

Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.

4. Điều trị:

Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì độc tố bạch hầu có thể gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%, ở những người dưới 5 tuổi và trên 40 tuổi tỷ lệ tử vong cao hơn, lên đến 20%. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu khi phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm như chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm.

4.1 Điều trị kháng độc tố càng sớm càng tốt

Vì bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời. Một biện pháp quan trọng trong việc điều trị bạch hầu là sử dụng kháng độc tố (SAD) càng sớm càng tốt sau khi phát bệnh vì thuốc sẽ không còn tác dụng khi độc tố đã xâm nhập vào tế bào. Sử dụng kháng sinh cũng rất cần thiết vì bệnh thường không lây sau 48 giờ dùng kháng sinh. Ngoài ra, bệnh nhân bạch hầu cần phải được theo dõi sát sao để phát hiện các biến chứng cũng như chống bội nhiễm.

4.2. Dùng kháng sinh dự phòng để ngăn chặn bệnh lây lan

Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân như sống cùng gia đình, nhân viên y tế, dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống, người chăm sóc, ... dùng kháng sinh dự phòng: Benzathine Penicillin hoặc Erythromycin 7 – 10 ngày để ngăn chặn sự lây lan. Song song đó là các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như vệ sinh cá nhân, vệ sinh khử khuẩn đồ dùng của bệnh nhân, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho những người chưa tiêm chủng đầy đủ.

5. Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu

Tiêm ngừa vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu.

Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu được điều chế từ độc tố vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) trong môi trường nuôi cấy và đã qua xử lý bằng formaldehyde. Vắc-xin bạch hầu được phát triển vào năm 1923. Đến năm 1985, Việt Nam chính thức đưa vắc-xin bạch hầu vào chương trình Tiêm chủng mở rộng cùng với 5 bệnh khác là lao, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi.

5.1 Các loại vắc xin hiện nay có chứa thành phần Bạch hầu

Để giảm số lượng mũi tiêm cho trẻ cũng như thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa trẻ đi tiêm, đã có nhiều vắc-xin phối hợp được sản xuất. Hiện nay, tại Việt Nam, có các loại vắc-xin sau có chứa thành phần bạch hầu:

- DPT: (DTwP) có 3 thành phần bạch hầu, uốn ván và ho gà toàn tế bào.

- ComBeFive và SII có 5 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.

- Adacel và Boostrix: (DTaP) có 3 thành phần bạch hầu, uốn ván và ho gà vô bào.

- Td: có 2 thành phần bạch hầu và uốn ván.

- Tetraxim: có 4 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào và bại liệt.

- Pentaxim: có 5 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.

- Infanrixhexa và Hexaxim: có 6 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.

Trong các vắc xin trên, ComBeFive, SII, DPT là các vắc xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng. Các vắc xin này được Chính phủ chi ngân sách mua để tiêm chủng miễn phí cho tất cả trẻ em trong độ tuổi quy định. Các vắc xin còn lại là vắc xin ngoài chương trình, phải trả phí khi tiêm chủng. Infanrix Hexa, Hexaxim và Pentaxim là những vắc xin có thể lựa chọn để tiêm chủng các mũi cơ bản theo lịch Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

5.2 Lịch tiêm chủng bắt buộc và lịch tiêm khuyến cáo

Lịch tiêm chủng bắt buộc vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu gồm 3 liều cách nhau ít nhất 1 tháng bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi và 1 liều tiêm nhắc thứ tư lúc trẻ 18 tháng tuổi. Mũi tiêm nhắc là rất cần thiết vì nó giúp kéo dài hiệu quả bảo vệ của vắc-xin phòng bệnh bạch hầu ít nhất 5 năm. Liều lượng thuốc trong mỗi lần tiêm là 0,5ml và được tiêm bắp ở vị trí 1/3 giữa mặt ngoài đùi. Ngoài lịch tiêm chủng bắt buộc nêu trên, vắc xin bạch hầu được khuyến cáo tiêm nhắc vào các độ tuổi từ 4 – 7 tuổi, từ 12-15 tuổi và sau đó tiêm nhắc mỗi 10 năm bằng các vắc xin DTaP, Td, Tdap.


Tại Phòng Tiêm chủng – Bệnh viện Quận Tân Phú, khách hàng sẽ được các bác sĩ thăm khám, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới.

 

Tổ T3G Bệnh viện Quận Tân Phú

Tài liệu tham khảo:

1. Các văn bản về tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu. Cục quản lý khám chữa bệnh. https://kcb.vn/cac-van-ban-ve-tang-cuong-cong-tac-dieu-tri-benh-bach-hau.html

2.Tìm hiểu và vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC). https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/tim-hieu-va-vac-xin-phong-benh-bach-hau-9e15f8cc5a509a215ef3d9f6c0c62199.html
 3.Bạch hầu: Phòng bệnh bằng tiêm vắc xin đầy đủ và tiêm nhắc lại. Ths Bs Lê Hồng Nga – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM 
https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/bach-hau-phong-benh-bang-tiem-vac-xin-day-du-va-tiem-nhac-lai-28f8c0aa37672c1fe725dad2ae51045b.html



  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí