Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

CÚM GIA CẦM H5N1

CÚM GIA CẦM H5N1

1. Thông tin về dịch cúm gia cầm H5N1:

Cúm gia cầm ở người là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm không chỉ cho chim, mà cả con người và các động vật khác. H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất, nó có thể gây chết cho chim và dễ dàng ảnh hưởng đến con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, H5N1 được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 1997 và đã giết chết gần 60% người mắc bệnh.

Virus H5N1 có vật chủ chính là quần thể chim hoang dã (chủ yếu là vịt trời) và gia cầm (vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng). Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt. Chợ trời và các địa điểm bán trứng và chim trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh, chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng đông dân cư.

Cúm gia cầm H5N1 đã gây tử vong cho 64 người Việt Nam kể từ khi vi rút này được phát hiện tại Việt Nam vào năm 2003, và từ năm 2014 tới nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào, nhưng các ổ dịch trên gia cầm vẫn thường xuyên được phát hiện và phải tiêu hủy nhiều đàn gà và vịt.

2. Các triệu chứng của bệnh nhân cúm A/ H5N1:

- Sốt: Sốt cao 39 – 40 độ C.

- Đau mỏi các khớp xương, nhức đầu, buồn nôn, nôn.

- Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt hơi, đau họng...

- Ho, tức ngực, khó thở tăng dần.

- Các triệu chứng suy hô hấp: tím môi, đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp.

- Các biểu hiện nặng, nguy kịch bao gồm: thiểu niệu hoặc vô niệu, phù, suy tim, đông máu nội quản rải rác, suy gan nặng, hôn mê...

Khi có các triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay Bệnh viện quận Tân Phú để khám xác định chẩn đoán và điều trị

 3. Biện pháp phòng, chống cúm gia cầm:

Tổ chức lương thực và Nông nghiệp liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến nghị chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

- Thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và thường xuyên trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với động vật.

- Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng.

- Rửa sạch và làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến thực phẩm.

- Không ăn “tiết canh” (một món ăn của Việt Nam chủ yếu được làm từ tiết của vịt).

- Tránh tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết.

- Nếu đã tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi bạn có các triệu chứng đường hô hấp.

- Báo cáo ngay khi thấy gia cầm ốm chết bất thường cho cơ quan thú y địa phương./.

                                             T3G/BV QUẬN TÂN PHÚ

*Nguồn Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật – HCDC



  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí