Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

DINH DƯỠNG CHO PHỤ NỮ TRƯỚC MANG THAI (tiếp theo)

     Bên cạnh các thực phẩm nhất định phải có trong thực đơn chuẩn bị mang thai được liệt kê ở trên, chị em phụ nữ hãy nhắc nhở tránh xa một số thực phẩm dưới đây để tránh là ảnh hưởng đến khả năng thụ thai

DINH DƯỠNG CHO PHỤ NỮ TRƯỚC MANG THAI (tiếp theo)

NHỮNG THỰC PHẨM CẦN HẠN CHẾ KHI CHUẨN BỊ CÓ THAI?

+ Mì ăn liền

+ Đậu nành, sữa đậu nành

+ Mầm giá

+ Thịt hộp, thịt chế biến sẵn

+ Đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ

+ Bia rượu, cà phê

+ Cần tây

+ Nội tạng động vật

+ Rau răm

+ Các loại thịt đỏ giàu chất béo

+ Các loại cá chứa nhiều thủy ngân

+ Sữa nguyên kem

+ Đu đủ, cà rốt, tỏi…

Thời điểm bắt đầu uống vitamin bổ sung?

Theo các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm bổ sung thuốc bổ trước khi mang thai tốt nhất là 3 tháng , bởi vì theo cơ chế sinh học, trứng bắt đầu chín khoảng 3 tháng, trước khi nó được giải phóng để tham gia vào quá trình thụ tinh, do đó nếu thời điểm này bà mẹ uống các loại thuốc, vitamin tổng hợp sẽ tốt nhất cho quả trứng phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, hầu hết phụ nữ đều không biết mình đã mang thai trong thời gian một vài tuần đầu tiên vì chưa có kế hoạch. Trong khi đó, 7 tuần đầu thai nhi hình thành ống thần kinh là giai đoạn rất nhạy cảm và dễ xảy ra tổn thương nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu bổ sung sớm các dưỡng chất quan trọng.

Phụ nữ chuẩn bị mang bầu được khuyên nên bổ sung khoảng 400 mcg axit folic mỗi ngày để đảm bảo cơ thể đủ dưỡng chất này, phòng ngừa các khuyết tật thần kinh cho thai nhi. Hãy nói chuyện cụ thể với bác sĩ để được bổ sung lượng thuốc bổ phù hợp nhất.

Chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng gì? 7 mũi tiêm quan trọng cần thực hiện

Tiêm phòng trước khi mang thai là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe chị em phụ nữ, giảm thiểu các nguy cơ bệnh tật rình rập thai nhi trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, vấn đề tưởng chừng đơn giản này lại khiến cho không ít người gặp rắc rối.

Tùy thuộc vào từng loại vắc xin cũng như tình trạng sức khỏe của người mẹ mà bác sĩ sẽ có chỉ định nhất định về loại tiêm ngừa cũng như thời gian tiêm phù hợp. Thông thường trước khi mang thai khoảng 3-6 tháng, chị em phụ nữ cần đi khám sức khỏe và nghe bác sĩ tư vấn về việc tiêm phòng trước khi mang thai. Vậy chuẩn bị có thai nên tiêm phòng gì? Dưới đây là thông tin một số mũi tiêm quan trọng chị em phụ nữ cần thực hiện khi bắt tay vào lên kế hoạch chuẩn bị mang thai lần đầu.

1. Tiêm phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh vô cùng đáng sợ. Nó đe dọa đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của phụ nữ khi không may mắc phải căn bệnh này. Để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, các chuyên gia y tế khuyến cáo chị em phụ nữ nên tiêm vắc xin phòng bệnh.

Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung chỉ có hiệu quả khi được tiêm trên đối tượng nữ giới từ 9-26 tuổi và chưa từng quan hệ tình dục. Như vậy, nếu bạn trước 26 tuổi và đã có ý định lấy chồng, sinh con thì cần tiến hành tiêm mũi này càng sớm càng tốt.

Theo một số nghiên cứu, phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã từng phát sinh “chuyện ấy” vẫn có thể đến bệnh viện hoặc các phòng khám uy tín để thực hiện mũi tiêm chích ngừa này. Tuy nhiên, với đối tượng này, trước khi tiêm phòng, mọi người nên hỏi ý kiến của bác sĩ.

Được biết tiêm phòng ngăn ngừa ung thư cổ tử cung gồm 3 mũi chính. Theo đó, mọi người khi tiêm cần nhớ rằng mũi thứ hai cách mũi đầu tiên 2 tháng và mũi thứ ba cách mũi đầu tiên 6 tháng. Để thuốc đạt hiệu quả cao nhất, bạn phải nhớ tiêm đủ và đúng lịch, tránh tình trạng bỏ giữa chừng, không mang lại hiệu quả tốt.

Theo các chuyên gia y tế, nếu trong quá trình tiêm, bạn bất ngờ có thai thì cần phải ngừng tiêm. Chỉ đến khi sinh xong, bạn mới tiếp tục tiêm mũi tiếp theo, tuy nhiên thời gian hoàn thành cả ba mũi tiêm không được phép quá 2 năm.
                                                              

2. Chuẩn bị mang thai nên tiêm mũi 3 trong 1 Sởi – Quai bị – Rubella (MRR)

Mũi 3 trong 1 gồm Sởi- Quai bị- Rubella (MRR) là một trong những mũi tiêm quan trọng chị em phụ nữ cần phải thực hiện trước khi mang thai. Theo các chuyên gia sản phụ khoa, nếu trong quá trình mang thai, mẹ không may mắc phải 3 bệnh kể trên thì sẽ để lại di chứng nghiêm trọng cho đứa trẻ trong bụng. Cụ thể là:
                                                    


Sởi:

Thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật, sinh non, chết lưu nếu người mẹ bị bệnh sởi trong thời gian mang thai. Chính vì thế, mẹ không được phép xem nhẹ căn bệnh này.

Quai bị:

Đây là một căn bệnh tưởng chừng như rất nhẹ nhưng trên thực tế, theo các chuyên gia, khi bị mắc bệnh, nếu người mẹ không kiêng khem cẩn thận thì nguy cơ bị viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm màng não sẽ rất cao.

Đặc biệt, bệnh này có thể phá hủy tế bào trứng, gây viêm nhiễm buồng trứng, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bị quai bị, thai nhi rất dễ bị dị tật bẩm sinh, sinh non…

Mọi biến chứng sẽ diễn ra nhanh chóng và ở mức “báo động đỏ” nếu mẹ bị quai bị ở thời điểm tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba của thai kỳ.

Rubella:

Theo các nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới, 90% mẹ bị virus rubella trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ có thể phải đối mặt với nguy cơ thai nhi sinh ra bị dị tật bẩm sinh.

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh sởi, quai bị, rubella, các chuyên gia y tế khuyến cáo mẹ cần phải tiêm mũi MRR trước khi mang thai khoảng 3 tháng.

Nếu như trước đây, mẹ phải tiêm riêng lẻ từng mũi vắc xin đối với từng loại bệnh thì giờ đây với sự phát triển không ngừng của y học, mẹ có thể tiêm kết hợp mũi 3 trong 1. Điều này vừa giúp các mẹ tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian rất hiệu quả.

3. Chuẩn bị mang bầu cần tiêm mũi chích ngừa thủy đậu

Thủy đậu là một trong những căn bệnh phổ biến mà hầu hết ai trong chúng ta cũng đều mắc phải ít nhất 1 lần trong đời. Nếu như trước khi kết hôn, chị em phụ nữ bị thủy đậu rồi thì nguy cơ mắc lại bệnh trong thời gian mang thai là rất ít.

Tuy nhiên, nếu căn bệnh này “gõ cửa” bạn quá muộn thì trước khi chuẩn bị mang thai, bạn cần đến bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để thực hiện mũi tiêm chích ngừa này.

Tại sao cần phải tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai? Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ khi mang thai và không may bị thủy đậu, nó sẽ để lại hậu quả nặng nề cho cả mẹ lẫn thai nhi. Người mẹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị viêm phổi, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí là tử vong.

Trong khi đó, mức độ ảnh hưởng của bệnh đến thai nhi lại tùy thuộc vào từng độ tuổi của thai nhi. Cụ thể là trong tam cá nguyệt thứ nhất, thai nhi dễ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh, tật đầu nhỏ, giác mác bị tổn thương… Thông thường sau tuần 20 của thai kỳ, mức độ thai nhi bị ảnh hưởng do bệnh thủy đậu sẽ giảm dần.

Chính vì thế, để tránh những rủi ro không mong muốn trên, chị em phụ nữ cần đi tiêm chích ngừa thủy đậu trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Chỉ khi được tiêm phòng đầy đủ, cơ thể người mẹ mới xuất hiện những kháng thể chống lại bệnh.

4. Tiêm phòng viêm gan siêu vi B

Chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng gì? và đương nhiên không thể thiếu mũi tiêm ngừa viêm gan siêu vi B. Theo các chuyên gia y tế, ở nước ta hiện nay, số người mắc viêm gan B ngày càng cao. Khi mắc bệnh, nếu không có cách thức điều trị hợp lý, nguy cơ người bệnh bị suy gan, ung thư gan là rất cao.

Đối với chị em phụ nữ nếu không may mắc phải căn bệnh này trong thời gian mang thai thì rất dễ lây nhiễm cho thai nhi. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người trước khi mang thai nên bớt chút thời gian và sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ để được tư vấn về mũi tiêm phòng viêm gan siêu vi B.

Được biết, mũi tiêm phòng này cần tiêm 3 mũi trong vòng 4 tháng. Nếu trước khi có thai, chị em chưa tiêm hết 3 mũi tiêm đó thì có thể tiếp tục thực hiện trong quá trình mang thai và đương nhiên phải có chỉ định của bác sĩ.

5. Chích ngừa cúm khi chuẩn bị mang thai

Cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến và thường gặp ở phụ nữ mang thai. Trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ, nếu mẹ bầu thì cúm thì sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng cho thai nhi. Ở thời điểm này, việc sử dụng thuốc để điều trị càng để lại tác động tiêu cực cho bé yêu trong bụng.

Chính vì thế, để ngăn chặn những cơn cảm cúm “đỏng đảnh”, khó chịu trong suốt thời gian mang thai, bạn không thể không thực mũi tiêm phòng ngừa cúm.

Được biết vắc xin ngừa cúm chỉ có tác dụng trong vòng 12 tháng, bởi vậy mũi vắc xin này cần tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần. Thông thường mũi tiêm này sẽ được tiêm trước khi mang thai khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Tuy nhiên, khi đã được tiêm phòng vắc xin cúm, bạn không được phép lơ là, thay vào đó vẫn cần phải chăm sóc cơ thể thật tốt, tránh tiếp xúc với người đang bị cúm, tránh ăn đồ lạnh…
                                                       

6. Vắc-xin phòng viêm gan A

Theo các chuyên gia y tế, với vắc xin phòng viêm gan A, các bạn cần thực hiện trước khi mang thai khoảng 6 tháng. Nếu không tiêm phòng và trong thời gian mang thai, mẹ không may bị viêm gan A thì có thể dẫn đến tử vong.

7. Tiêm phòng uốn ván

Tiêm phòng uốn ván cũng là một trong những mũi tiêm quan trọng cần được quan tâm khi tìm hiểu vấn đề: “Chuẩn bị có thai nên tiêm phòng gì”. Nếu không tiêm vắc xin ngừa uốn ván, trẻ có thể bị lây nhiễm bệnh nếu người mẹ mắc phải. Và theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ hình thành và phát triển trong cơ thể người mẹ mắc bệnh sẽ có nguy cơ tử vong lên đến 95%.

Các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo phụ nữ nên thực hiện mũi tiêm này  trước khi mang thai hoặc tiêm vào tháng thứ 5-6 của thai kỳ.

Trên đây là 6 mũi tiêm phòng quan trọng mà chị em phụ nữ cần thực hiện trước khi mang thai khoảng 3-6 tháng. Đây là một trong những việc làm quan trọng cần làm trước khi mang thai nên các mẹ đừng coi thường nhé. Khi đi tiêm, các mẹ có thể rủ chồng đi cùng cho có bạn đồng hành

Tiêm phòng trước khi mang thai cần lưu ý điều gì?

- Để các mũi tiêm phòng trước khi mang thai đạt hiệu quả cao nhất và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi, mọi người cần phải nhớ một số điều sau:

- Mẹ cần tìm hiểu kỹ thông tin về từng mũi tiêm, bao gồm khoảng thời gian quy định cho từng mũi chích ngừa như thế nào cho hợp lý; trong thời gian tiêm có cần kiêng gì không…

- Tiêm phòng trước khi mang thai khoảng 3-6 tháng, không nên chờ đến khi có bầu mới tiêm

- Trước mũi tiêm chích ngừa, bạn nên đi khám sức khỏe tiền sinh sản để nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định loại vắc xin cần tiêm và khoảng thời gian tiêm thích hợp nhất.

- Sau khi tiêm, bạn cần theo dõi cẩn thận từng thay đổi của cơ thể trong vòng 24 giờ đến 48 giờ để tránh tình trạng bị sốc thuốc

- Tiêm thuốc theo đúng lịch hẹn của bác sĩ

- Các mũi tiêm nên được thực hiện ở cùng một cơ sở y tế để bác sĩ tiện theo dõi tình hình sức khỏe của bạn

- Sau khi tiêm, nếu thấy có bất kỳ vấn đề nào không ổn, bạn cần đi bệnh viện kiểm tra ngay

Trên thực tế, có không ít chị em phụ nữ không thực hiện tiêm phòng trước khi mang thai nhưng may mắn con sinh ra vẫn khỏe mạnh, bình an. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan với vấn đề này, cần xác định chính xác chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng gì thì mọi người nên cố gắng chủ động đi tiêm để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho bé yêu

Để hành trình chuẩn bị mang thai trở nên dễ dàng hơn, chị em phụ nữ đừng quên rủ chồng tham gia cùng. Hai người đồng tâm hiệp lực và luôn nhắc nhở nhau chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao. Vì thế đừng gạt chồng ra khỏi quá trình chuẩn bị này nhé, một khi chồng khỏe, vợ khỏe thì con mới nhanh đến.

Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.      Website: https://wikibacsi.com/me-va-be/chuan-bi-mang-thai-nen-tiem-phong-gi

2.      Website: https://procarevn.vn/thuc-pham-can-tranh-khi-chuan-bi-co-thai-4153/

     3.     Website: https://wikibacsi.com/me-va-be/thuc-don-chuan-bi-mang-thai
 



  
  

Liên kết website

Bản đồ vị trí