Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ có mối quan hệ chặt chẽ và có tính chất quyết định đối với tình trạng dinh dưỡng của trẻ nhỏ. Sữa mẹ giống như vắc xin đầu tiên của trẻ sơ sinh, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn và cung cấp cho trẻ tất cả các dưỡng chất cần thiết để trẻ tồn tại và phát triển. Thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ: bú sớm, bú hoàn toàn,… là rất cần thiết vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ

Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nuôi con bằng sữa mẹ

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CỦA TRẺ SƠ SINH

          Nếu trẻ bú mẹ lời khuyên dành cho các bà mẹ là cho bé bú theo nhu cầu mỗi khi bé đói. Chất lượng sữa tùy theo thực phẩm mẹ ăn vào cũng ảnh hưởng đến lượng sữa bé bú hàng ngày.số lần trẻ bú mẹ có thề dao động từ 8-12 lần/ ngày.Lượng sữa ước lượng không thể biết chính nhưng mẹ có thể tham khảo bảng gợi ý lượng sữa sau (Bảng sử dụng số liệu trung bình):

Tuổi của trẻ

Lượng sữa mỗi cữ bú

Ngày 1 (0-24 giờ)

7ml

Ngày 2 (24-48 giờ)

14ml

Ngày 3 (38-73 giờ)

38ml

Ngày 4 (72-96 giờ)

58ml

Ngày 7 (144-168 giờ)

65ml

Cách tính lượng sữa cho trẻ sơ sinh chỉ là ở mức tương đối và bắt đầu khoảng thời gian từ tuần thứ 2 trở đi lượng sữa sẽ tăng dần, cụ thể:

– Từ tuần thứ 2 đến 2 tháng tuổi trẻ có thể muốn bú khoảng 70-105ml sữa ở mỗi lần bú.

– Khi bé đang ở giữa từ 2 tháng đến 6 tháng nhu cầu sữa tăng lên khoảng 105-210ml sữa.

– Lúc 6 tháng tuổi trở lên, mỗi lần bú có thể đạt từ 210-240ml sữa. Tổng lượng sữa một ngày khoảng 900ml.

       Đến tuổi ăn dặm lượng sữa mỗi ngày bé cần sẽ giảm xuống. Và đến khi bạn đã thiết lập cho bé một chế độ ăn uống đa dạng thì lượng sữa mỗi ngày cần khoảng 600ml.
CÁCH VẮT SỮA VÀ BẢO QUẢN SỮA
Mục đích của việc vắt sữa:
+ Thiết lập sự tạo sữa để nuôi dưỡng trẻ nhẹ cân hoặc trẻ sơ sinh bị bệnh
+ Nếu cho trẻ sơ sinh mút vú sớm ngay sau khi sinh sẽ giúp cho việc tạo sữa bắt đầu sớm
+ Trong trường hợp trẻ nhẹ cân hoặc trẻ sơ sinh bị bệnh, bà mẹ nên cần bắt đầu vắt sữa càng sớm càng tốt ngay trong ngày đầu tiên, mặc dù lúc đầu có thể chỉ vắt được vài giọt sữa non nhưng cũng sẽ giúp cho vú tạo sữa sớm
+ Duy trì nguồn sữa để nuôi dưỡng trẻ bệnh
+ Bà mẹ nên vắt ít nhất 3 giờ 1 lần, cả về ban đêm và duy trì cho đến khi trẻ có thể bú trở lại
+ Để tạo nguồn sữa nếu sữa mẹ đang giảm đi sau vài tuần
+ Vắt sữa thường xuyên trong vài ngày (cứ 2 giờ một lần hoặc hàng giờ) và ít nhất 3 giờ một lần vào ban đêm
+ Để sữa lại cho trẻ khi mẹ đi làm
+ Vắt càng nhiều càng tốt, nếu có thể nên vắt sữa trước khi bà mẹ đi làm và để lại cho trẻ bú. Có thể vắt sữa ở nơi làm việc để duy trì nguồn sữa
+ Làm giảm triệu chứng cương tức vú hoặc rỉ sữa tại nơi làm việc
+ Chỉ cần vắt 1 lượng sữa nhất định
Các trường hợp cần vắt sữa:
+ Khi mẹ đi làm
+ Nuôi trẻ sinh non nhẹ cân, không thể bú mẹ được
+ Nuôi trẻ bệnh, không thể bú đủ
+ Duy trì nguồn sữa khi mẹ hoặc trẻ bị ốm
+ Ngăn không cho sữa chảy ra khi mẹ đi làm xa
Bảo quản sữa mẹ đã vắt ra
+ Sữa mẹ vắt ra phải được đựng trong dụng cụ sạch
+ Sữa sau khi vắt, nếu chưa cho trẻ bú ngay thì được bảo quản trong điều kiện
Nơi bảo quản Nhiệt độ Thời gian bảo quản
Ở nhiệt  độ phòng 19-26°C Tốt nhất 4 tiếng(có thể để 6-8 tiếng)
Trong ngăn mát tủ lạnh <4°C Tốt nhất 3 ngày (có thể để tới 8 ngày)
Trong ngăn đá tủ lạnh -18 đến -20°C Tốt nhất 6 tháng(có thể tới 12 tháng)
+ Cho trẻ ăn sữa mẹ đã vắt ra
Đối với sữa đã bảo quản, trước khi cho ăn cần tiến hành rã đông sữa và làm nóng sữa
- Rã đông sữa: Đưa sữa lên ngăn mát tủ lạnh cho đỡ đông sau đó để ở nhiệt độ thường cho tan hết đá, lắc đều sữa rồi làm nóng sữa
- Làm nóng sữa: Ngâm bình sữa trong nước nóng vài phút, khi sữa ấm lên là được. Không đun sôi sữa
+ Cho trẻ uống bằng thìa và cốc sẽ tốt hơn khi cho trẻ bú bằng bình và núm vú giả
DẤU HIỆU TRẺ BÚ ĐỦ SỮA
1. Cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất nhiều sữa từ 2-4 ngày sau sinh. Nếu sau sinh 4 ngày mà sữa của mẹ không đủ, em bé sẽ bị đói sau mỗi cử bú, mẹ nên tư vấn bác sĩ. Trong vài giờ đầu sau sinh, lượng sữa non của mẹ rất quý giá, có thể giúp trẻ miễn dịch hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vì thế, mẹ nên cố gắng tận dụng nguồn sữa này. 
2. Em bé biết tìm đúng vú mẹ và mút nhịp nhàng trong ít nhất 10-15 phút mỗi cử bú. Mẹ sẽ nghe tiếng em bé nuốt đều đặn trong khi bú. Trong lần bú đầu tiên, nên giữ tư thế bú của bé cho đến khi trẻ hút hết sữa. Khi bé bắt đầu mút yếu hơn, nuốt ít hơn, hoặc bắt đầu chợp ngủ, mẹ có thể vỗ ợ cho bé hoặc thay tả để đánh thức bé, và chuyển bé sang vú bên kia.
Thông thường, trẻ sẽ bú được nhiều sữa hơn nếu bú cả hai bên vú. Ngay khi vú thứ nhất được rút hết sữa, bắt đầu cho bé bú sang vú bên kia. Bằng cách này, cả hai vú sẽ cùng được kích thích tiết sữa và cùng được làm trống. 
3. Em bé của mẹ sẽ bú nhiều hơn 8 lần/ngày. Cho trẻ bú những lúc trẻ có dấu hiệu đói như: thức giấc khi đang ngủ (bị đánh thức bởi đói), đưa tay vào miệng mút, quay đầu tìm vú, mút miệng và lưỡi. Khóc là dấu hiệu muộn của đói, và em bé của mẹ sẽ không bú tốt sau khi khóc quá lâu. Trong vài tuần đầu, mẹ thường mong em bé của mình sẽ đòi bú mỗi 3 giờ với một khoảng nghỉ dài khoảng 5 giờ giữa cử bú đêm. Thực tế là trẻ sơ sinh bú ít hơn 8 lần/ngày hoặc ngủ nguyên đêm rất có thể không bú đủ sữa, vì vậy mẹ nên đánh thức bé để cho bú.
Nếu trẻ không tuân theo cữ bú tiêu chuẩn, bạn có thể dựa vào nhu cầu của trẻ để cho bú. Không ép bé liên tục làm nảy sinh tâm lý sợ hãi khiến trẻ bỏ bú.
4. Em bé của mẹ có vẻ hài lòng sau khi bú và sẽ ngủ ngay sau đó. Trẻ sau khi bú mẹ mà vẫn còn thấy đói (sẽ khóc, mút ngón tay hoặc muốn ngậm núm vú giả) nghĩa là chưa đủ sữa. Mẹ nên tư vấn bác sĩ để có phương pháp kích thích sữa hoặc cho sữa bổ sung.
5. Vú mẹ sẽ cảm giác căng đầy trước mỗi cử bú và xẹp sau khi bú.
6. Trẻ sẽ đi tiểu 6 lần/ngày hoặc hơn ngay khi sữa mẹ về đủ. Nước tiểu thường không màu. Khi trẻ hơn 3 ngày tuổi, nước tiểu của bé có thể có màu gạch bẩn dính tả nếu bé bú không đủ sữa.
7. Phân của em bé màu xanh, dẻo (gọi là phân su) cho đến 4-5 ngày tuổi. Sau 5 ngày, nếu phân bé vẫn còn màu xanh sẫm hoặc màu nâu, nên đi khám bác sĩ.
8. Trẻ có thể đi tiêu 4 lần/ngày hoặc nhiều hơn. Nhiều trẻ bú mẹ són phân mỗi lần cho bú trong suốt 3-4 tuần đầu sau sinh.
9. Ngay sau khi sữa mẹ về đủ, trẻ bú mẹ sẽ tăng cân nhanh, ít nhất 30g/ngày trong 2 tháng đầu. Tăng cân là dấu hiệu tốt nhất cho biết bé bú đủ sữa. Nếu trẻ không tăng cân có thể mẹ không đủ sữa hoặc mẹ cho bé bú không đúng cách.
KHOA DINH DƯỠNG – TIẾT CHẾ

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Website: bvtamtrisaigon.com.vn/vn/che-do-dinh-duong-cua-tre-so-sinh
2.Bộ Y tế (2015). Nuôi dưỡng trẻ nhỏ (Tài liệu dùng cho cán bộ Y tế công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em)
3.Website: nhidong.org.vn/chuyen-muc/lam-sao-de-biet-con-ban-bu-no-hay-chua-c55-775.aspx
 


  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí