Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

ĐO THÍNH LỰC CHUYÊN SÂU VÀ TẦM SOÁT THÍNH LỰC SƠ SINH

Thính giác là một trong năm giác quan của cơ thể người, là bộ phận quan trọng  tiếp thu âm thanh đi từ vành tai, ống tai ngoài vào tai giữa và tai trong có vai trò chuyển rung động cơ học của tai giữa thành xung động thần kinh dẫn truyền từ thần kinh ốc tai đến não. Một khi bộ phận này bị thương tổn thì có thể gây nghe kém, nghe kém nhẹ hoặc nghe kém hoàn toàn còn gọi là điếc. Đo thính lực là một trong những phương pháp giúp kiểm tra tình trạng thính lực hiệu quả và an toàn nhất.

ĐO THÍNH LỰC CHUYÊN SÂU  VÀ TẦM SOÁT THÍNH LỰC SƠ SINH

Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện quận Tân Phú được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại có thể đo thính lực cho người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh dễ dàng và không gây đau đớn bằng nhiều phương pháp đo:

BỘ MÁY ĐO THÍNH LỰC

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐO THÍNH LỰC

  1. Đo thính lực đơn âm: Đo thính lực đơn âm là một trong những kỹ thuật kiểm tra thính giác cơ bản nhất, giúp xác định ngưỡng nghe của một người tại các tần số khác nhau trong một không gian yên tĩnh. Mục đích chính của đo thính lực đơn âm là để xác định loại và mức độ suy giảm thính lực.

Mức độ mất thính lực của một người được đánh giá như sau:

- 0-25 dB HL: Bình thường

- 26-40 dB HL: Nghe kém nhẹ 

- 41-55 dB HL: Nghe kém trung bình

- 56-70 dB HL: Nghe kém trung bình – nặng

- 71-90 dB HL: Nghe kém nặng

- 90 dB trở lên: Điếc

Tùy theo mức độ nghe kém Bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân hướng điều trị phù hợp.

2. Đo nhĩ lượng:

Đo nhĩ lượng là một xét nghiệm đáng tin cậy để kiểm tra chuyển động của màng nhĩ, từ đó giúp chẩn đoán tình trạng của màng nhĩ, xương con, vòi nhĩ và một số bệnh lý tai giữa.

 Nhĩ lượng đồ được thực hiện bằng cách đưa đầu dò vào tai, vừa khít ống tai. Phương pháp này không gây đau, tốn ít thời gian và đặc biệt rất nhạy đối với các trường hợp tổn thương tai giữa.

Kết quả nhĩ lượng đồ


 












 

     


     



       -  Type A: Kết quả đo nhĩ lượng bình thường.

- Type B: Kết quả bất thường liên quan đến tai giữa ứ dịch hoặc lỗ thủng màng nhĩ.

- Type C: Kết quả bất thường liên quan đến bệnh lý tai giữa hoặc rối loạn chức năng vòi nhĩ.

- Type As: Kết quả bất thường liên quan đến xơ nhĩ hoặc xốp xơ tai.

- Type Ad: Kết quả bất thường liên quan đến trật khớp xương tai giữa (lỏng hoặc gián đoạn chuỗi xương con).

3. Đo phản xạ cơ bàn đạp: Đo phản xạ cơ bàn đạp là phương pháp thăm dò chức năng nghe khách quan, đánh giá hoạt động của cơ bàn đạp ở tai giữa với âm thanh lớn. Đo phản xạ cơ bàn đạp có vai trò quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý thần kinh thính giác.

4. Đo âm ốc tai (OAE): Đo âm ốc tai là nghiệm pháp thăm dò khách quan, đánh giá những tổn thương tại ốc tai cho người lớn và trẻ em. Đặc biệt phương pháp này giúp phát hiện sớm khiếm thính ở trẻ sơ sinh để trẻ có hướng điều trị phù hợp, giúp trẻ phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.

LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP PHÙ HỢP

Mỗi độ tuổi sẽ có các phương pháp kiểm tra thính lực khác nhau để phù hợp với khả năng nhận thức và hoạt động của mỗi cá nhân.

Trẻ sơ sinh – trẻ nhỏ chưa biết hợp tác, trẻ chậm phát triển

- Mới sinh đến 5 tháng tuổi: thử phản xạ mi mắt, đo âm ốc tai.

- 5 tháng đến 2 tuổi rưỡi: Phản xạ quay đầu, đáp ứng âm thanh, đo nhĩ lượng, phản xạ cơ bàn đạp, âm ốc tai.

- Trẻ chậm phát triển: đo nhĩ lượng, phản xạ cơ bàn đạp, âm ốc tai.

Trẻ biết hợp tác (thường từ 3 tuổi trở lên)

- 3 đến 5 tuổi: đo thính lực – đồ chơi, đo thính lực lời, đo nhĩ lượng, phản xạ cơ bàn đạp, âm ốc tai.

- Từ 6, 7 tuổi trở lên hợp tác tốt: có thể thực hiện các nghiệm pháp đo chuẩn như người lớn: Đo thính lực đơn âm, đo nhĩ lượng, phản xạ cơ bàn đạp, âm ốc tai.

KHI NÀO NÊN ĐO THÍNH LỰC?


 

Theo thống kê, cứ 3 trong số 1000 trẻ sinh ra sẽ gặp vấn đề về thính giác và bị nghe kém ở mức độ nhẹ hay nặng hơn. Do vậy, thay vì bỏ nhiều thời gian để chờ đợi, phỏng đoán và hoài nghi về khả năng nghe của trẻ thì việc đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để đo thính lực sẽ giúp mang lại kết quả nhanh hơn và chính xác hơn.

Mặt khác, nghe kém, thính lực giảm sút không chỉ ảnh hưởng tới khả năng tiếp nhận âm thanh mà còn có thể dẫn đến chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ. Phát hiện và can thiệp sớm chính là cách bảo vệ thính giác luôn khỏe mạnh.

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi đo thính lực trong các trường hợp sau:

+ Tất cả trẻ sơ sinh mới được sinh ra nên được tầm soát đo thính lực (đo âm ốc tai) tốt nhất trong vòng 24h- 72h sau sinh.

+ Trẻ không có phản ứng với tiếng gọi hay tiếng động lớn;

+ Không có biểu hiện bập bẹ hay cố gắng bắt chước âm thanh;

+ Trẻ 12 tháng tuổi nhưng vẫn không thể hiểu được các cụm từ đơn giản;

+ Không thể xác định vị trí nơi âm thanh được phát ra;

+ Không bắt chước giọng nói hoặc sử dụng những từ đơn giản;

+ Không nghe được âm thanh của tivi ở mức bình thường;

+ Nói chuyện quá lớn;

+ Thường xem tivi và nghe nhạc ở âm lượng cao bất thường;

+ Trẻ chậm nói, nói không rõ.

+ Trẻ ù tai 1 hay 2 bên.

Không chỉ đối với trẻ em mà ngay cả người lớn nếu cảm thấy sức nghe giảm sút, ù tai, thường không nghe thấy tiếng gọi hay tiếng động xung quanh thì việc kiểm tra, đo thính lực là rất cần thiết.

                       Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện quận Tân Phú

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Phác đồ điều trị Tai Mũi Họng Bệnh viện quận Tân Phú năm 2023.

2. Thính lực lâm sàng PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng Nhà xuất bản Y học năm 2018.


 




  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí