Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG KHÁNG THUỐC NĂM 2022 (18/11-24/11)

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG KHÁNG THUỐC NĂM 2022 (18/11-24/11)

Sự ra đời của kháng sinh là một bước ngoặt quan trọng của y học nhân loại, giúp con người chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và đã cứu sống hàng triệu người bệnh. Tuy nhiên, đề kháng kháng sinh đang là một mối đe dọa rất lớn đến sức khỏe của con người. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bắt đầu tổ chức Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới (World Antimicrobial Awareness Week) hàng năm. Năm nay, Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới được tổ chức từ ngày 18/11/2022 đến ngày 24/11/2022 với khẩu hiệu “Cùng nhau ngăn chặn tình trạng đề kháng kháng sinh”.

Đề kháng kháng sinh là khả năng của các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng sinh trưởng trước sự hiện diện của một loại thuốc mà thông thường có thể giết chết hoặc hạn chế sự phát triển của chúng (như kháng sinh, kháng nấm). Hiểu theo nghĩa chuyên môn y học, chủng vi khuẩn được gọi là “đề kháng” khi nồng độ kháng sinh mà vi khuẩn đó có thể chịu đựng được trở nên tăng cao hơn so với nồng độ kháng sinh đạt được trong cơ thể sau khi dùng thuốc. Kết quả là các liệu pháp điều trị thông thường trở nên không hiệu quả. Nhiễm trùng do đó trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến thời gian điều trị kéo dài hơn, chi phí điều trị cao hơn và nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Bởi vì đề kháng kháng sinh nên ngày càng có nhiều các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao,… trở nên khó điều trị hơn và thậm chí là không thể điều trị được. Ước tính khoảng 1,5 triệu người tử vong mỗi năm do đề kháng kháng sinh.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đề kháng kháng sinh, trong đó, việc lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chủ yếu. Việc sử dụng kháng sinh một cách tùy tiện và không hợp lý trong điều trị bệnh và trong chăn nuôi dẫn đến tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, đa kháng thuốc. Và đáng sợ hơn là sự xuất hiện của các “superbug” (siêu vi khuẩn) – các chủng vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và nấm kháng lại hầu hết các loại kháng sinh. Vì vậy, cần có những biện pháp để việc sử dụng kháng sinh được hợp lý. Ngày 31/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5631/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện” với mục đích nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhiễm trùng, đảm bảo an toàn, giảm thiểu các biến cố bất lợi cho người bệnh, giảm khả năng xuất hiện đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, giảm chi phí nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng điều trị và thúc đẩy chính sách sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn.

Tình trạng đề kháng kháng sinh đang ngày càng nghiêm trọng hiện nay. Dự báo, đến năm 2050, mỗi năm sẽ có tới 10 triệu người tử vong mà nguyên nhân có thể là do thuốc kháng sinh không còn ngăn ngừa hiệu quả các bệnh thông thường. Do đó, sử dụng kháng sinh hợp lý, phòng chống đề kháng kháng sinh là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, là trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là các nhân viên y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có thông điệp: “No action today, no cure tomorrow” (Không hành động hôm nay, không có thuốc điều trị cho ngày mai).

KHOA DƯỢC-BVQ TÂN PHÚ


 



  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí