Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Khảo sát đánh giá sử việc sử dụng bình xịt của bệnh nhân điều trị ngoại trú

       Cùng với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, y học cũng ngày càng tiến bộ với những phương pháp điều trị tiên tiến hơn. Một trong những tiến bộ đó là việc bào chế thuốc dưới dạng khí dung và bột khô đi kèm với sự xuất hiện của các loại bình xịt định liều và bình hít bột khô. Các dạng thuốc này có thể đưa thuốc trực tiếp vào đường thở, được sử dụng trong điều trị bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), do đó giúp làm tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ đường toàn thân của thuốc.
        Tuy nhiên, để có được những lợi ích đó, bệnh nhân cần phải sử dụng các loại bình xịt/hít đúng cách, có kỹ năng phối hợp các động tác một cách thuần thục và chính xác. Do đó, Khoa Dược đã thực hiện kế hoạch số 166/KH-KD ngày 04/9/2020 về việc khảo sát, đánh giá việc sử dụng bình xịt/hít của bệnh nhân điều trị ngoại trú để nắm được tình hình sử dụng bình xịt/ hít của bệnh nhân tại bệnh viện, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục nhằm tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân

Khảo sát đánh giá sử việc sử dụng bình xịt của bệnh nhân điều trị ngoại trú

        Phương pháp

       Đối tượng khảo sát là những bệnh nhân hô hấp như hen phế quản, COPD… đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện có sử dụng bình xịt/hít từ ngày 10/9/2020 đến ngày 15/9/2020. Nội dung khảo sát gồm các thông tin cơ bản của bệnh nhân như tuổi, giới tính và bệnh lý phải sử dụng bình xịt/hít, loại bình xịt/hít mà bệnh nhân đang sử dụng và bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân (đối với bệnh nhân nhi) mô tả các bước sử dụng bình xịt/hít, cách kiểm tra bình xịt/hít còn thuốc hay không và việc vệ sinh bình xịt/hít.

       Kết quả

       Khoa Dược đã khảo sát 89 bệnh nhân và thu được những kết quả đáng lưu ý. Những bệnh nhân được khảo sát trải dài từ 3 tuổi đến 85 tuổi. Trong đó, số lượng tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 55 đến 70 với 55 bệnh nhân, chiếm 61,8% số lượng bệnh nhân khảo sát. Xét về giới tính, số lượng bệnh nhân nam được khảo sát 53, chiếm khoảng 60% so với 36 bệnh nhân nữ. Trong số các bệnh nhân được khảo sát, hen phế quản là bệnh lý chủ yếu mà bệnh nhân phải sử dụng các loại bình xịt/hít với tỷ lệ 63%, còn COPD chiếm 37% còn lại.

      Loại bình xịt/hít được số lượng bệnh nhân khảo sát sử dụng nhiều nhất là Seretide Evohaler (28 bệnh nhân). Tiếp theo đó là Berodual (22 bệnh nhân) và Symbicort Turbuhaler (22 bệnh nhân). Trong khi đó, các loại bình mà bệnh nhân khảo sát ít sử dụng là Flixotide Evohaler, Seretide Accuhaler và Ventolin Inhaler.

       Chi tiết đối với từng loại bình xịt:

       a.  Bình xịt định liều: Flixotide Evohaler, Seretide Evohaler, Ventolin Inhaler (39 bệnh nhân được khảo sát)

Chi tiết từng câu hỏi hoặc từng bước sử dụng:

       - Câu 1: Mở nắp bình xịt, kiểm tra bình xịt, lắc kỹ.

       - Câu 2: Trước khi sử dụng lần đầu tiên hoặc nếu vài ngày không sử dụng, lắc kỹ bình và xịt 1-2 lần vào không khí.

       - Câu 3: Thở ra hết sức, đưa ống ngậm vào miệng.

       - Câu 4: Hít vào đều đặn và sâu, đồng thời ấn bình xịt để giải phóng thuốc.

       - Câu 5: Nín thở, lấy bình xịt ra khỏi miệng và tiếp tục nín thở cho đến khi cảm thấy dễ chịu.

       - Câu 6: Nếu tiếp tục xịt thêm liều thứ hai, đợi khoảng nửa phút rồi thực hiện lại các bước tương tự (từ bước lắc bình xịt.

       - Câu 7: Đậy nắp bình xịt lại. Súc miệng bằng nước (đối với Flixotide Evohaler, Seretide Evohaler).

       - Câu 8: Bệnh nhân biết cách kiểm tra bình xịt/hít còn thuốc.

       - Câu 9: Bệnh nhân có biết và vệ sinh bình xịt/hít thường xuyên.

       b.  Bình xịt định liều: Berodual (25 bệnh nhân được khảo sát)

Chi tiết từng câu hỏi hoặc từng bước sử dụng:

       - Câu 1: Mở nắp bình xịt. Trước khi sử dụng lần đầu tiên, xịt 2 lần vào không khí. Nếu không sử dụng quá 3 ngày, xịt 1 lần vào không khí.

       - Câu 2: Thở ra hết sức, đưa ống ngậm vào miệng.

       - Câu 3: Hít vào tối đa, đồng thời ấn mạnh bình xịt để giải phóng thuốc.

       - Câu 4: Nín thở trong vài giây, sau đó lấy bình xịt ra khỏi miệng rồi thở ra.

       - Câu 5: Thực hiện tương tự với liều xịt thứ hai. Đậy nắp bình xịt lại.

       - Câu 6: Bệnh nhân biết cách kiểm tra bình xịt/hít còn thuốc.

       - Câu 7: Bệnh nhân có biết và vệ sinh bình xịt/hít thường xuyên.

       c.  Bình hít bột khô: Seretide Accuhaler, Symbicort Turbuhaler (25 bệnh nhân được khảo sát)

Chi tiết từng câu hỏi hoặc từng bước sử dụng:

       - Câu 1: Mở nắp bình hít.

       - Câu 2: Nạp liều thuốc.

       - Câu 3: Thở ra hết sức, đưa đầu ngậm vào miệng.

       - Câu 4: Hít vào bằng miệng đều và sâu (đối với Seretide Accuhaler) hoặc mạnh và sâu (đối với Symbicort Turbuhaler).

       - Câu 5: Nín thở, lấy bình hít ra khỏi miệng rồi thở ra.

       - Câu 6: Nếu tiếp tục xịt thêm liều thứ hai, thực hiện lại các bước tương tự. Đối với Seretide Accuhaler, phải đóng bình lại trước khi xịt lần thứ hai.

       - Câu 7: Đóng nắp bình hít lại. Súc miệng bằng nước.

       - Câu 8: Bệnh nhân biết cách kiểm tra bình xịt/hít còn thuốc.

       - Câu 9: Bệnh nhân có biết và vệ sinh bình xịt/hít thường xuyên.

       98% số bệnh nhân được khảo sát trả lời đã được nhân viên y tế hướng dẫn sử dụng thuốc. Trong khi số bệnh nhân còn lại không trả lời câu hỏi này. Về việc đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng, chỉ có 65% bệnh nhân được khảo sát trả lời là có, trong khi có 32% số bệnh nhân không đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng và còn lại 3% số bệnh nhân không trả lời.

       Hơn 50% số bệnh nhân khảo sát nắm được đầy đủ các bước và kỹ năng sử dụng bình xịt/hít. Trong khi đó, 33% bệnh nhân không trả lời được 1-2 câu hỏi hoặc bước thực hiện và 14% có nhiều hơn 2 câu không trả lời được.

       Ở nhóm bệnh nhân nhi, tất cả người nhà của các bé đều trả lời không được 1-2 câu. Tuy nhiên, do cỡ mẫu nhóm bệnh nhân này rất ít nên không thể đánh giá chính xác được. Nhóm tuổi 40-60 và 61-70 tuổi nhìn chung nắm khá tốt các bước và kỹ năng sử dụng bình xịt/hít với 57-62% trả lời được tất cả câu hỏi, trong khi chỉ có 7-13% không trả lời được từ 3 câu trở lên. Nhóm tuổi trên 70 có kỹ năng sử dụng không tốt như nhóm 40-70 tuổi nên cần đặc biệt chú ý đến nhóm bệnh nhân này.

       Kết luận

       Qua khảo sát, có thể nhận thấy những bước mà phần nhiều các bệnh nhân không nắm được là:

       - Trước khi sử dụng lần đầu tiên hoặc nếu vài ngày không sử dụng, lắc kỹ bình và xịt 1-2 lần vào không khí (đối với bình xịt định liều).

       - Thở ra hết sức, đưa ống ngậm vào miệng (một bước quan trọng trong sử dụng bình xịt/hít).

       - Nín thở, lấy bình xịt ra khỏi miệng và tiếp tục nín thở vài giây hoặc đến khi cảm thấy dễ chịu rồi mới thở ra (một bước quan trọng trong sử dụng bình xịt/hít vì nếu không làm đúng sẽ làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc).

       - Nếu tiếp tục xịt thêm liều thứ hai, đợi khoảng nửa phút rồi thực hiện lại các bước tương tự (điều này không tốt đối với những bệnh nhân phải xịt nhiều liều trong một lần dùng thuốc).

       Bên cạnh đó, phần nhiều bệnh nhân không biết cách kiểm tra bình xịt/hít còn thuốc và không biết (điều này đặc biệt nguy hiểm khi sử dụng những loại bình xịt cắt cơn) hoặc không vệ sinh bình xịt thường xuyên.

       Đề xuất

Qua những kết quả có được từ khảo sát, Khoa Dược xin đề xuất một số giải pháp để hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các loại bình xịt/hít đúng cách, có kỹ năng phối hợp các động tác một cách thuần thục và chính xác như phát những tờ hướng dẫn sử dụng mỗi khi cấp phát các thuốc có sử dụng bình xịt/hít cho bệnh nhân, phối hợp với các câu lạc bộ Hen, COPD của bệnh viện để hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các loại bình xịt/hít và đăng tải những video hướng dẫn sử dụng các loại bình xịt/hít lên trang web của bệnh viện và hướng dẫn bệnh nhân truy cập vào để xem.

Khoa Dược- Bệnh viện quận Tân Phú




  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí