Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Khảo sát, đánh giá việc tiêm insulin ở bệnh nhân điều trị ngoại trú

Insulin là một thuốc quan trọng hàng đầu trong điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, insulin chỉ có chế phẩm ở dạng tiêm nên gây khó khăn cho việc sử dụng, đặc biệt là với bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Khảo sát, đánh giá việc tiêm insulin ở bệnh nhân điều trị ngoại trú

 Hiện nay, tại Bệnh viện quận Tân Phú, insulin dạng tiêm được chỉ định khá phổ biến cho bệnh nhân điều trị ngoại trú với hai dạng chế phẩm chính là lọ thuốc (sử dụng cùng với bơm tiêm) và bút tiêm. Insulin là một thuốc nguy cơ cao nên có nhiều yêu cầu quan trọng khi sử dụng và bảo quản. Do đó, Khoa Dược đã thực hiện khảo sát để đánh giá việc tiêm insulin ở bệnh nhân điều trị ngoại trú, qua đó phát hiện những sai sót còn tồn tại để tìm các giải pháp tư vấn cho bệnh nhân.

Đối tượng khảo sát là những bệnh nhân ngoại trú tại Khoa Khám bệnh và Phòng khám Bác sĩ gia đình, Bệnh viện quận Tân Phú từ ngày 29/04/2019 đến ngày 06/05/2019 được chỉ định thuốc insulin. Nội dung khảo sát là các thông tin cơ bản của bệnh nhân như tuổi, giới tính, thời gian chẩn đoán đái tháo đường, bệnh lý đi kèm, loại chế phẩm insulin được sử dụng (lọ thuốc hay bút tiêm), người thực hiện việc tiêm insulin, thời gian tiêm, liều sử dụng, vị trí tiêm và cách bảo quản.

Khoa dược đã khảo sát được 179 bệnh nhân. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân được khảo sát là 63,4 tuổi, trong đó, tỉ lệ bệnh nhân trên 60 tuổi chiếm trên 2/3 số lượng bệnh nhân. Thời gian chẩn đoán đái tháo đường trung bình của các bệnh nhân được khảo sát là 11,1 năm.

Xét về loại chế phẩm insulin, khảo sát được thực hiện với 111 bệnh nhân sử dụng lọ thuốc insulin (+ bơm tiêm) và 68 bệnh nhân sử dụng bút tiêm insulin. Đối với các bệnh nhân sử dụng bút tiêm insulin, phần lớn bệnh nhân đều sử dụng 1 đầu kim nhiều lần và trong nhiều ngày, số ngày trung bình sử dụng cho 1 đầu kim là 3,4 ngày. Như vậy, với 3-4 đầu kim được cấp kèm 1 bút tiêm, bệnh nhân sẽ sử dụng trung bình trong 1-2 tuần. Thông thường họ sẽ sử dụng cho đến khi cảm giác đau thì mới thay đầu kim mới.

Hầu hết bệnh nhân đều đã được nhân viên y tế hướng dẫn cách tiêm (98%). Tỉ lệ bệnh nhân có đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng cũng khá cao (80%).

Bệnh nhân sử dụng insulin có xu hướng tự tiêm là chủ yếu (76%). Trong đó, bệnh nhân dưới 60 tuổi có tỉ lệ tự tiêm cao hơn bệnh nhân trên 60 tuổi. Tỉ lệ bệnh nhân được tiêm bởi người có chuyên môn về y dược rất thấp, chủ yếu là những người sử dụng lọ thuốc (+ bơm tiêm). (hình 1)


 

Tỉ lệ bệnh nhân biết cách lấy chính xác lượng insulin cần tiêm cao (87%). Tỉ lệ này ở bệnh nhân dưới 60 tuổi (91%) cao hơn bệnh nhân trên 60 tuổi (84%) và ở bệnh nhân sử dụng bút tiêm (80%) lại thấp hơn sử dụng lọ thuốc (89%).

Về vị trí tiêm, bệnh nhân thường tiêm ở vùng quanh rốn (chiếm 92,7%). Số bệnh nhân luân phiên thay đổi vị trí tiêm là 109 người (60,1%). Số bệnh nhân gặp bất thường ở chỗ tiêm là 19 người (10,6%), thường gặp là bầm tím, thâm, ngứa, đau.

Khảo sát về cách bảo quản insulin thu được nhiều kết quả đáng để bàn luận. Cần hiểu insulin CHƯA MỞ là lọ chưa mở nắp và chưa đâm thủng nút cao su (đối với lọ thuốc) hoặc bút chưa sử dụng lần đầu (đối với bút tiêm). Còn insulin ĐÃ MỞ là lọ đã mở nắp và đâm thủng nút cao su (đối với lọ thuốc) hoặc bút đã sử dụng lần đầu (đối với bút tiêm). Kết quả thu được như sau (hình 2):

- Hầu hết bệnh nhân đều biết bảo quản lọ/bút CHƯA MỞ trong ngăn mát tủ lạnh (98%).

- Khá ít bệnh nhân biết lọ/bút ĐÃ MỞ không được đặt lại vào tủ lạnh (chỉ có 23,5%).

- Tỉ lệ bệnh nhân có lăn tròn lọ/bút để trộn thuốc trước khi tiêm là 59,8%. Những bệnh nhân trên 60 tuổi có tỉ lệ cao hơn, có thể là do họ có kinh nghiệm sử dụng nhiều hơn.

- Tỉ lệ bệnh nhân biết hạn dùng của lọ/bút ĐÃ MỞ là tương đối thấp (30,7%) và tỉ lệ bệnh nhân có ghi lại ngày đầu tiên mở lọ/bút là rất thấp (chỉ có 9,5%), trong đó tất cả 58 bệnh nhân từ 60 tuổi trở xuống được khảo sát đều không làm việc này. Điều này không phải là vấn đề đối với những bệnh nhân tuân thủ tốt đợt điều trị (thường 2-4 tuần) và bỏ hoặc trả lại lọ/bút sau khi kết thúc mỗi đợt điều trị. Nhưng nếu bệnh nhân thường xuyên quên liều, kéo dài đợt dùng thuốc quá 4 tuần thì sẽ rất nguy hiểm.


 

Qua khảo sát 179 bệnh nhân sử dụng insulin ngoại trú, nhìn chung hầu hết bệnh nhân đều nắm được những yêu cầu cơ bản về cách sử dụng insulin. Các bệnh nhân thường tự tiêm và đã được nhân viên y tế hướng dẫn cách tiêm. Do đó, đa số bệnh nhân biết cách lấy chính xác lượng thuốc cần tiêm, biết vị trí tiêm và luân phiên thay đổi vị trí tiêm, biết bảo quản lọ/bút chưa mở trong ngăn mát tủ lạnh, lăn tròn lọ/bút trước khi tiêm. Tuy nhiên, một số yêu cầu về bảo quản thuốc lại chưa được nắm vững ở các bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân đều chưa biết việc không đặt insulin đã mở vào tủ lạnh và thời hạn sử dụng của chế phẩm insulin sau khi đã mở hoặc sử dụng lần đầu tiên.

Do đó, Khoa Dược đã đề xuất và thực hiện giải pháp để hướng dẫn bệnh nhân về việc bảo quản insulin, đó là phát những tờ hướng dẫn có thông tin hướng dẫn bảo quản thuốc mỗi khi cấp phát thuốc insulin cho bệnh nhân.

Báo cáo chi tiết có trong link sau:

https://drive.google.com/file/d/1Rj6_r2Mhlz4AvaHA5KYqBkaw6WpkCKc-/view?usp=sharing

Khoa Dược – Bệnh viện quận Tân Phú



  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí