Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Một số tương tác thuốc với các loại thức uống

Một số tương tác thuốc với các loại thức uống

1. Sữa

Trong sữa có ion calci (Ca2+) có thể tạo phức chelat với các kháng sinh nhóm Fluoroquinolon, kháng sinh nhóm Tetracyclin, Levothyroxin, Levodopa, Methyldopa nên làm giảm hấp thu các thuốc này qua đường tiêu hóa, giảm tác dụng điều trị của thuốc. Do đó, không uống chung các thuốc này với sữa và cần uống cách nhau ít nhất 2-4 giờ.

2. Cà phê, trà

Kháng sinh nhóm Quinolon có thể ức chế CYP1A2, giảm chuyển hóa, làm tăng nồng độ trong máu của caffein (trong cà phê, trà), dẫn đến kích thích, mất ngủ, lo lắng, hồi hộp, vã mồ hôi. Trong thời gian điều trị bằng kháng sinh nhóm Quinolon, nếu có sử dụng cà phê hoặc trà, cần chú ý các tác dụng của caffein.

Caffein (trong cà phê, trà) có thể làm giảm chuyển hóa Theophyllin và có thể chuyển hóa thành Theophyllin nên làm tăng nồng độ Theophyllin trong máu. Vì Theophyllin có khoảng trị liệu hẹp nên tránh dùng chung Theophyllin với cà phê hoặc trà.

Ngoài ra, trong trà còn có tannin có thể gây tủa với các ion sắt và làm giảm sinh khả dụng của sắt. Do đó, nên uống cách xa các thuốc chứa sắt với trà.

3. Rượu, bia

Người nghiện rượu có thể tăng đào thải Doxycyclin, giảm nồng độ Doxycyclin trong máu. Xem xét tăng gấp đôi liều Doxycyclin hoặc thay thế kháng sinh khác.

Người nghiện rượu có thể tăng hoạt tính enzym chuyển hóa Paracetamol thành NAPQI, chất gây độc cho gan. Nên tránh dùng Paracetamol cho bệnh nhân nghiện rượu, nếu phải dùng Paracetamol, nên ngừng rượu và thận trọng nguy cơ độc tính trên gan.

Rượu và Aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể cộng hợp tác dụng gây loét dạ dày. Nên tránh dùng rượu trong thời gian dùng Aspirin hoặc NSAIDs.

Rượu có thể gây tăng hoặc giảm đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Nên tránh dùng rượu khi điều trị đái tháo đường.

Rượu có thể làm tăng nồng độ acid lactic trong máu, tăng nguy cơ nhiễm toan lactic ở bệnh nhân đang dùng Metformin. Nên tránh dùng rượu trong thời gian dùng thuốc.

Rượu có thể gây phản ứng giống disulfiram ở bệnh nhân đang dùng các thuốc nhóm Sulfonylurea. Nên tránh dùng rượu trong thời gian dùng thuốc.

Rượu có thể gây phản ứng giống disulfiram ở bệnh nhân đang dùng kháng sinh Nitroimidazol, Cefamandol, Cefoperazon. Nguy cơ xảy ra phản ứng thấp, tuy nhiên không nên dùng các thức uống chứa cồn trong khi sử dụng thuốc và ít nhất 72 giờ sau khi ngưng sử dụng thuốc.

Khoa Dược – Bệnh viện quận Tân Phú




 



  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí