Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Ngộ độc Botulinum

Ngộ độc Botulinum

Cách đây không lâu từng xảy ra các vụ ngộ độc pate chay, cá chép ủ muối,… khiến nhiều bệnh nhân các tỉnh thành khác nhau phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Việc nhiễm độc tố của vi khuẩn này gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, liệt toàn thân, và nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Trong bài viết này chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin cơ bản để mọi người biết cách phòng bệnh. 

          1.     Nguyên nhân ngộ độc botulinum

- Do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra.

- Các loại thực phẩm dễ gây ngộ độc botulinum có các đặc điểm thường gặp như sau:

Không bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn đóng hộp, được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ.

Môi trường bảo quản không đúng cách (liên quan đến nhiệt độ, hàm lượng acid,…).

Sử dụng tủ lạnh bảo quản thực phẩm không đúng.

Đun nóng lại không đủ chín trước khi ăn.

- Ngộ độc botulinum còn có thể xảy ra khi vết thương nhiễm khuẩn (từ đất, cát, sỏi hay gãy xương hở), sử dụng quá liều độc tố botulinum (thường dùng trong thẩm mỹ). Ngoài ra, mật ong được xác định là yếu tố phổ biến gây nguy cơ ngộ độc botulinum cho trẻ dưới 12 tháng tuổi do hệ vi sinh đường ruột của bé chưa hoàn thiện.

- Thời gian khởi phát bệnh phổ biến 12 - 36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên (khi thức ăn có sẵn độc tố), hoặc có thể trong khoảng 6 giờ đến 8 ngày sau ăn (khi thức ăn có nha bào vi khuẩn C.botulinum).

- Đây được xem là tình trạng cấp cứu vì nhiều người có thể cùng bị ngộ độc khi ăn cùng một loại thực phẩm nhiễm độc tố botulinum.
2.     Biểu hiện ngộ độc Botulinum

- Biểu hiện ban đầu của bệnh gồm: buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt ruột cơ năng, táo bón/tiêu chảy.

- Khi độc tố xâm nhập sâu hơn có các dấu hiệu: sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng. Tuy nhiên, người nhiễm độc tố C.botulinum có thể hoàn toàn tỉnh táo và không có triệu chứng sốt trong giai đoạn này.

- Giai đoạn cuối: chất độc lan rộng gây liệt tay, liệt hai chân, bí tiểu, cầu bàng quang và liệt các cơ vùng ngực gây suy hô hấp, ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, thở yếu, thở nhanh, nông,… và dẫn đến tử vong.

3. Cách phòng tránh ngộ độc Botulinum

Hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu để phòng ngừa ngộ độc botulinum, do vậy chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh chủ yếu như sau:

- Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.

- Không ăn thực phẩm đóng hộp, đóng gói kín khi thấy hộp bị phồng lên hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Các hộp thức ăn làm để bán hay hộp đóng tại nhà bị cong, đóng rỉ sét xung quanh vành rìa hộp thì không nên sử dụng.

- Không nên tự đóng kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.

- Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín do độc tố botulinum bị loại bỏ bằng cách hâm nóng ở nhiệt độ sôi trong khoảng 10 phút.

- Với thực phẩm phải lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống cần phải bảo đảm độ chua, độ mặn, được rửa và nấu đúng cách, vệ sinh dụng cụ làm bếp và hộp đựng, vệ sinh tay người chế biến,. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

- Sử dụng mật ong có chất lượng và độ an toàn cao cho trẻ.

Nguồn: BỘ Y TẾ

BS Hồ Thị Bích Vân (Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế)



  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí