Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH SƠ CỨU BAN ĐẦU

NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH SƠ CỨU BAN ĐẦU

1. Ngộ độc thực phẩm là gì ?

Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) là bệnh gây ra do ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn hoặc thực phẩm có chứa các chất có tính độc hại đối với người ăn. Tác nhân gây ngộ độc có thể là vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng), độc tố của vi khuẩn, chất độc hóa học, chất độc tự nhiên sẵn có trong thực phẩm hay do thức ăn bị biến chất.

2. Nhận biết ngộ độc thực phẩm:

- Khi bản thân hoặc người xung quanh rơi vào những tình huống sau đây thì có thể nghĩ đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm:

+ Người vừa mới ăn xong và khởi phát các biểu hiện bệnh sau đó.

+ Có từ hai người trở lên có biểu hiện tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm nào đó, trong khi những người không ăn thì có biểu hiện bệnh.

+ Các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm khá đa dạng và tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh.

- Một số biểu hiện gợi ý của ngộ độc thực phẩm:

+ Biểu hiện ở đường tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy …

+ Biểu hiện của mất nước mất muối nếu nôn, tiêu chảy nhiều như biểu hiện khát, môi và da khô, nước tiểu sẫm màu và lượng ít dần ...

+ Biểu hiện của nhiễm trùng (nếu do vi trùng) như sốt, lưỡi bẩn …

+ Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây ra các dấu hiệu nguy hiểm, nặng:

Thần kinh: rối loạn cảm giác, yếu, liệt, cứng cơ, nhìn mờ, co giật, lẫn lộn, lơ mơ, hôn mê ….

Tim mạch, hô hấp: đau ngực, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, khó thở …

Dấu hiệu tiêu hóa, nhiễm trùng nặng, dai dẳng: đau bụng liên tục, tiêu chảy nhiều, không giảm, phân có máu, đái ít …

Người có thể trạng yếu như người già, trẻ nhỏ, người giảm miễn dịch…

- Nhiều bệnh dễ nhầm với ngộ độc thực phẩm như: Các bệnh ở não, nhồi máu cơ tim thất phải, nhiều bệnh cấp cứu ở bụng (như thủng dạ dày tá tràng, viêm ruột thừa, tắc mạch, viêm tụy cấp, giun chui ống mật, thai ngoài tử cung vỡ, vv …) và các bệnh khác.

3. Hướng dẫn sơ cứu, xử trí:

Khi nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh có biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, người dân cần bình tĩnh và áp dụng các biện pháp sơ cứu ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe. Một số biện pháp sơ cứu, xử trí như:

- Gây nôn: chỉ định trong trường hợp người bệnh vẫn còn tỉnh táo, mới uống, ăn phải chất độc và chưa có triệu chứng ngộ độc. Chống chỉ định khi người bệnh lờ đờ, hôn mê, co giật, khó thở, v…v…Gây nôn bằng cách uống 100 – 200 ml nước sạch rồi dùng tăm bông hoặc hai ngón tay đã rửa sạch ngoáy vào cuống lưỡi, cổ họng.

- Người bệnh nếu nôn ói, tiêu chảy nhiều có thể bị mất nước, điện giải thì cần được bù nước, điện giải. Nếu người bệnh có khả năng uống được thì bù nước bằng dung dịch oresol. Nếu sử dụng dung dịch oresol bù nước thì người bệnh hoặc người nhà cần đọc kỹ hướng dẫn pha nước đúng liều lượng, nên pha với nước đun sôi để nguội và sử dụng dung dịch vừa pha trong vòng 24 giờ. Các đồ uống thay thế khác như nước khoáng, nước hoa quả, nước cháo, nước canh.

- Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì cần được đặt nằm nghiêng an toàn sang một bên và không cho bất cứ vật gì vào miệng người bệnh.

- Nhanh chóng gọi cấp cứu theo số máy 115 hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, người hỗ trợ cần lưu lại mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, kể cả chất nôn, chất thải ra từ người bệnh để giúp xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

4. Một số biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:

- Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ cho công nhân làm việc trực tiếp với chế biến thực phẩm.

- Không để người bị viêm xoang, viêm mũi họng, có mụn mủ ở tay chế biến thực phẩm.

- Không dùng tay để bốc hay chia thực phẩm chín. Tốt nhất là đeo găng tay dùng một lần để chế biến hoặc trộn thực phẩm.

- Dùng kẹp hoặc dĩa khi phục vụ thức ăn.

- Bảo quản tốt các thức ăn đã chế biến (giữ thức ăn luôn nóng).

- Đối với thực phẩm bị nghi ngờ nhiễm tụ cầu vàng cần phải đun sôi 1000C liên tục trong 2 giờ trở lên.

- Nấu kỹ tất cả thực phẩm có nguồn gốc độc vật trước khi ăn, đặc biệt là thịt gia cầm, thịt lợn, trứng.

- Bảo quản thực phẩm tươi sống đã được chuẩn bị trong các hộp chứa nhỏ.

- Tránh gây tái nhiễm vi khuẩn trong bếp sau khi thức ăn được nấu chín thì cần để riêng với thực phẩm tươi sống.

5. Những điều không nên làm khi bị ngộ độc thực phẩm:

- Người bị ngộ độc thực phẩm không nên tự ý dùng thuốc chống nôn ói hay thuốc cầm tiêu chảy.

- Người bệnh không nên chủ quan với bất kỳ biểu hiện nào, không tự ý điều trị theo quan niệm của bản thân và các bài thuốc dân gian.

- Khi bị nôn ói, tiêu chảy nhiều, người bệnh không nên ngưng uống nước hay các thực phẩm thay thế nước do bác sĩ chỉ định.

- Việc chọn lựa thực phẩm cho người bệnh cần:

+ Tránh các thực phẩm gây khó tiêu, dễ kích thích gây buồn nôn như đồ chiên rán, thức ăn nhiều dầu mỡ …

+ Tránh các thực phẩm từ sữa động vật như bơ, phô mai, sữa … trong vài ngày vì lúc này cơ thể bệnh nhân không dung nạp được lactose gây đầy bụng khó tiêu.

+ Tránh đồ uống có gas, có cồn vì chúng chứa các chất gây lợi tiểu. Rượu bia còn làm nặng thêm tình trạng mất nước.

+ Không ăn đồ tái, còn sống, chưa nấu chín như gỏi cá, rau sống …

+ Hạn chế đồ ngọt như bánh kẹo, các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt đóng hộp.

 

                                                          BỆNH VIỆN QUẬN TÂN PHÚ

                                                      KHOA DINH DƯỠNG – TIẾT CHẾ

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Thị Yến Phi (2020), Bộ môn Dinh dưỡng- An toàn thực phẩm trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, An toàm thực phẩm, Nhà xuất bản y học, trang 1.

2. Nguyễn Trung Nguyên (2022), Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bạch Mai, bài giảng Ngộ độc thực phẩm – Phát hiện và sơ cứu.

3. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc, trang 5.

4. Ban quản lý An toàn thực phẩm (2023), Ủy ban nhân dân TPHCM, bài giảng tập huấn Ngộ độc thực phẩm – Các biện pháp phòng chống và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm.

5. Bài đăng web https://thaythuocvietnam.vn/dinh-duong-cho-nguoi-bi-ngo-doc-thuc-pham/

 



  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí