Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi ăn phải thức ăn có chứa chất độc, vi khuẩn hoặc hóa chất gây hại. Một trong những nguyên nhân thường bị bỏ qua là độc tố tự nhiên có sẵn trong một số loài động vật, thực vật quen thuộc.
Những thực phẩm có thể gây ngộ độc do độc tố tự nhiên:
1. Cá nóc: Chứa tetrodotoxin, là chất độc cực mạnh. Nếu chế biến không đúng cách, có thể gây tê liệt cơ hô hấp và tử vong nhanh chóng.
2. Mật cá trắm, cá trôi: Một số người dân có thói quen ăn mật cá sống để “bổ gan” nhưng đây là thói quen nguy hiểm. Mật cá có thể gây suy gan, suy thận cấp, có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
3.Nấm độc hoang dại: Nhiều loại nấm mọc tự nhiên rất giống nấm ăn, nhưng chứa độc tố gây tổn thương gan, thận, hệ thần kinh.
4.Củ sắn (khoai mì): Nếu ăn sống hoặc chế biến không đúng cách, acid cyanhydric trong sắn có thể gây ngộ độc nặng.
5.Lá ngón, cóc, aconitin...: Các loại cây rừng hoặc động vật như cóc, rắn... nếu sử dụng làm thuốc hoặc thực phẩm không đúng cách có thể gây ngộ độc nặng, thậm chí tử vong.
Triệu chứng thường gặp khi ngộ độc:
Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy
Tê bì, co giật, khó thở
Rối loạn tim mạch, tụt huyết áp
Mất ý thức, hôn mê, tử vong nếu không được xử trí kịp thời
Cách phòng tránh hiệu quả:
✅ Không ăn thử thực phẩm lạ, đặc biệt là động – thực vật hoang dã.
✅ Không sử dụng mật cá, cá nóc, nấm dại, củ sắn sống, lá ngón, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc.
✅ Chỉ ăn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến đúng cách.
✅ Nếu có người bị ngộ độc, cần đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.
✅ Tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng, đặc biệt vùng nông thôn, miền núi.
THÔNG ĐIỆP:
“Không ăn thử – Đừng mạo hiểm!
Bảo vệ sức khỏe từ bữa ăn mỗi ngày.”
Khoa Dinh dưỡng- Tiết chế, Bệnh viện quận Tân Phú
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc (Ban hành kèm theo Quyết định số 3610/QĐ-BYT ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)