Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ GÂY TÊ TỦY SỐNG

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ GÂY TÊ TỦY SỐNG

 1. GÂY TÊ TỦY SỐNG ĐƯỢC TIẾN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Đầu tiên, vị trí gây tê sẽ được sát trùng cẩn thận nhằm đảm bảo vô trùng tuyệt đối, tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê và thuốc giảm đau vào vùng khoang dưới nhện, gần tủy sống của bệnh nhân. Thuốc tê khi được bơm vào sẽ gây tê thần kinh giúp giảm đau tại phần thân dưới của bệnh nhân, đặc biệt là các bộ phận liên quan trực tiếp đến quá trình phẫu thuật. Do đó bệnh nhân mất cảm giác ở phần này, không cảm thấy đau khi tiến hành phẫu thuật. Quá trình gây tê tủy sống không đau, hoặc chỉ cảm thấy hơi nhói một chút, hoàn toàn trong ngưỡng có thể chịu được của bệnh nhân.


Hình ảnh một ca gây tê tủy sống được thực hiện tại bệnh viện Quận Tân Phú. Sau khi sát trùng vùng da sẽ gây tê, bác sĩ gây mê trải săng vô khuẩn và tiến hành gây tê tủy sống trong điều kiện vô khuẩn tuyệt đối để phòng tránh tối đa sự nhiễm trùng cho bệnh nhân. Kích thước kim tê tủy sống rất nhỏ, giúp hạn chế cảm giác đau và các tác dụng phụ của gây tê tủy sống cho bệnh nhân.

2. GÂY TÊ TỦY SỐNG CÓ THỂ GÂY RA TÁC DỤNG PHỤ GÌ?

2.1. Buồn nôn, nôn ói

Ngay sau khi thuốc tê được tiêm vào cột sống, bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, thậm chí là nôn mửa. Đây là phản ứng khá phổ biến nhưng sẽ nhanh chóng biến mất khi thuốc tê hết tác dụng, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bệnh nhân.

2.2. Nhức đầu

Nguyên nhân chủ yếu là do dịch não tủy rò rỉ qua lỗ thủng màng cứng, làm giảm lớp rào cản đệm của dây thần kinh cảm giác, tăng áp lực não tủy, khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức đầu, đặc biệt là vùng xung quanh trán, sau mắt hoặc đáy hộp sọ. Nhiều bệnh nhân còn đau xuống vùng cổ. Những cơn đau có thể kéo dài hoặc đau từng cơn, đau nhói. Tác dụng phụ này thường xuất hiện vài ngày sau gây tê và sẽ biến mất sau khoảng vài ngày.

2.3. Run

Run sau gây tê tủy sống là một phản ứng rất thường gặp. Ngoài ra nhiệt độ ở phòng mổ luôn thấp hơn thân nhiệt của bệnh nhân rất nhiều nhằm để phòng ngừa nhiễm trùng vết mổ, do đó khiến bệnh nhân càng bị mất nhiệt hơn. Tuy nhiên run này là lành tính và sẽ biến mất hoàn toàn sau vài giờ.

2.4. Ngứa

Thuốc gây tê có thể khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu do tác dụng của thuốc giảm đau được thêm vào trong thuốc tê. Tình trạng ngứa sẽ giảm dần và hết sau khoảng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân ngứa nghiêm trọng và kéo dài.

2.5. Suy hô hấp và tuần hoàn nhẹ

Nếu thuốc gây tê di chuyển cao hơn trong tủy sống so với dự định thì bệnh nhân có thể bị phong bế cột sống. Trường hợp này thường xảy ra với các bệnh nhân béo phì, lùn, có tiền sử dị ứng thuốc gây mê, gây tê.

Khi bị tác dụng phụ này, bệnh nhân sẽ có biểu hiện khó thở, tê cánh tay, cử động cánh tay, vai và thân yếu. Kèm với đó là cảm giác buồn nôn, nôn mửa. Nếu được xử trí kịp thời để điều chỉnh nhịp tim và huyết áp thì tình trạng này cũng sẽ ổn định và không đáng lo ngại.


Trước, trong và sau khi gây tê tủy sống, bệnh nhân luôn được theo dõi sát các chỉ số huyết áp, tần số nhịp tim, độ bão hòa oxy trong máu... để phát hiện và xử trí kịp thời các biểu hiện bất lợi của bệnh nhân.

2.6. Nhiễm trùng

Bất cứ hành động nào đưa vật thể bên ngoài vào cơ thể và phá vỡ hàng rào da bao bọc đều có nguy cơ gây ra nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhiễm trùng do gây tê tủy sống hiện nay rất hiếm gặp, nhờ vào sự tuân thủ vô trùng rất cao ở phòng mổ.

2.7. Đau lưng

Trước đây có nhiều quan niệm rằng gây tê tủy sống sẽ làm xuất hiện hoặc nặng nề thêm tình trạng đau lưng. Nhưng các nghiên cứu trên thế giới gần đây đã “giải oan” được điều này cho gây tê tủy sống, bởi vì kim sử dụng trong gây tê tủy sống càng lúc càng có đường kính rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu quá trình gây tê tủy sống có làm tổn thương dây chằng ở thắt lưng thì vẫn có khả năng gây ra đau lưng cho bệnh nhân, mặc dù điều này khá ít gặp. Tùy từng người mà có thể đau nhẹ, đau âm ỉ, cũng có người đau dữ dội, cơn đau kéo dài, liên tục. Bởi vậy, bệnh nhân cần hợp tác tốt với hướng dẫn của bác sĩ gây mê và không di chuyển, cử động trong quá trình gây tê tủy sống.

Ngoài các tác dụng phụ kể trên, bệnh nhân còn có thể gặp phải một vài triệu chứng khác như: tê bì chân tay, bí tiểu...

3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠN CHẾ TÁC DỤNG PHỤ CỦA GÂY TÊ TỦY SỐNG?

Trong quá trình gây tê tủy sống, nếu cảm thấy khó chịu hay đau ở bất cứ đâu nên nói ngay với bác sĩ để được kiểm tra các thiết bị, ống truyền thuốc hoặc các vấn đề khác liên quan đến thuốc tê.

Để hạn chế việc rò rỉ dịch não tủy, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ thì khi bác sĩ tiêm tê tủy sống, bệnh nhân phải hợp tác tốt theo sự hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân nên nằm yên, không dịch chuyển, có thể làm lệch mũi tiêm.

Sau khi phẫu thuật với phương pháp gây tê tủy sống, bệnh nhân nên nghỉ ngơi trên giường trong một ngày đầu, tránh nhấc đầu khỏi giường và nên sớm tập vận động chân. Ngoài ra nên uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bồi bổ để hồi phục sức khỏe.

Khi thấy các dấu hiệu bất thường như: khó thở, đau hoặc sưng đỏ ở vị trí tiêm tê, nhức đầu dữ dội, yếu tay chân, tiêu tiểu khó thì nên đến bá cho bác sĩ ngay lập tức; nếu đã xuất viện về nhà thì nên quay lại bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung Trinh

Khoa Phẫu thuật – Gây mê – Hồi sức, Bệnh viện quận Tân Phú



  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí