Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

Phòng chống dịch bệnh covid-19 trong tình hình mới

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngày 26/3, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngày 26/3, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ).

Phòng chống dịch bệnh covid-19 trong tình hình mới

Thủ tướng biểu dương ngành y tế, các cấp, các ngành, Ban chỉ đạo đã quyết liệt thực hiện nghiêm với quyết tâm cao trong triển khai các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong những ngày qua.

Cho rằng việc lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, Thủ tướng nêu rõ, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng hiện nay.

Thủ tướng dẫn lại một ý kiến khuyến nghị nên xem tình hình dịch của Mỹ để rút kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là đầu tháng 3, cả Việt Nam và Mỹ có 100 trường hợp bị nhiễm nhưng sau 3 tuần, Mỹ có tới 55.000 người bị nhiễm (cụ thể, 11/3 có 994 người, 18/3 có 6.411 người và ngày hôm qua là 54.808 tại 50 bang) và tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California (ngày 22/3) khi đã quá muộn, đáng nhẽ nên đóng cửa vào 12/3 khi số ca dưới 1.000, Việt Nam nghiên cứu vấn đề này như thế nào.

Thủ tướng đặt vấn đề về việc có nên tạm thời đóng cửa tất cả các hoạt động và đi lại của người dân khi số ca nhiễm còn thấp, không phải con số 1.000.

Theo dự báo, chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt. Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… Nhân dịp này, Thủ tướng cũng nhắc nhở UBND quận Tây Hồ trong ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch vừa qua (24/3) đã để quá đông người dân đến chùa chiền ở khu vực này.

Đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh, “như thế chúng ta bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa”.

Tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến giao thông công cộng. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các thành phố khác. Người dân được yêu cầu ở lại nhà trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài.

Đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch, các địa phương có trách nhiệm quản lý như đi từ vùng dịch.

Thời gian thực hiện biện pháp này là từ 0h ngày 28/3/2020 trong một tuần hoặc vài tuần và sẽ xem xét cụ thể sau.

Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện.

Với các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện việc xét nghiệm các nhân viên y tế ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể để làm sao không để bệnh viện thành nơi tập trung đông người dễ lây nhiễm.

Chiều 26/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mục tiêu của Thành phố là không để tình trạng virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh trong cộng đồng, khống chế số ca mắc COVID-19 trên địa bàn dưới 150 ca.

Theo đó, để kiểm soát dịch bệnh đang có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng các biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch.

Với tình hình xuất hiện sự lây lan virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, công tác phòng, chống dịch đã bước qua giai đoạn 2, cấp bách hơn, do đó Thành phố chấp nhận hy sinh các lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để tập trung phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và các quận, huyện giám sát việc chấp hành quy định đóng cửa toàn bộ cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức hội họp có quy mô trên 20 người, yêu cầu người dân cấm tụ tập theo nhóm trên 10 người bên ngoài công sở.

Giao Sở Giao thông vận tải lên phương án sắp xếp lại việc vận hành hệ thống giao thông công cộng, đăc biệt là các phương tiện vận chuyển lớn, kiểm soát tốt việc di chuyển của người dân từ các địa phương có dịch vào thành phố, đồng thời tham mưu Bộ Giao thông Vận tải phương án kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường sắt.

Song song đó, thành phố tập trung tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức chủ động phòng, chống dịch, không ra ngoài nếu không cấp bách, lưu ý đối tượng là người trên 60 tuổi, người có tiền sử bệnh nền.

Đối với việc mua sắm, các đơn vị cung ứng, phân phối cần đẩy mạnh hình thức kinh doanh trực tuyến, giao nhận tại nhà, tránh tình trạng người dân xếp hàng mua hàng ở các siêu thị, trung tâm thương mại.

Trong lĩnh vực hành chính, đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua hệ thống một cửa, giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Thành Phong đặc biệt lưu ý và giao Sở Y tế tiến hành nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện, cơ sở y tế tham gia xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm COVID-9, huy động nguồn nhân lực sẵn sàng ứng phó với các diễn biến mới của dịch bệnh.

Kể từ 18 giờ ngày 26/3, toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế thành phố không được rời khỏi địa bàn và sẵn sàng chờ nhiệm vụ.

Sở Thông tin Truyền thông và các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cập nhật danh sách, địa chỉ các cửa hàng cung cấp các sản phẩm chống dịch như khẩu trang, dung dịch rửa tay và nhắn tin cho tất cả thuê bao di động, tài khoản zalo đăng ký trên địa bàn thành phố.

“Mỗi người dân phải là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Thành phố sẽ có chế tài cưỡng chế đối với những trường hợp không tuân thủ yêu cầu cách ly, không đeo khẩu trang khi ra đường hoặc ở nơi công cộng, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không đóng cửa theo yêu cầu và các trường hợp đầu cơ, tích trữ sản phẩm chống dịch”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Đánh giá cao nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 của hệ thống y tế thành phố, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, hai tuần tới là thời gian mà thành phố nói riêng, cả nước nói chung phải chạy đua để khống chế mức độ lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng.

Kinh nghiệm từ các quốc gia đang là tâm dịch cho thấy, chỉ cần kiểm soát tốt “thời điểm vàng” trong hai tuần tới thì mức độ lây lan trong cộng đồng sẽ giảm đáng kể.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, không có biện pháp nào phòng, chống dịch tốt và tiết kiệm chi phí hơn là đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, UBND Thành phố phải yêu cầu các đơn vị cung ứng đủ khẩu trang cho người dân và công khai địa chỉ bán khẩu trang để người dân mua được, kiểm tra xử lý các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang kém chất lượng.

Ủng hộ quyết định của UBND Thành phố về việc đóng cửa các dịch vụ không cần thiết và tụ tập đông người, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, lợi ích kinh tế có thể được khôi phục nhưng sức khỏe và tính mạng của người dân nếu mất không thể lấy lại được.

Để chia sẻ khó khăn với những người lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy phải tạm dừng sản xuất, Thành ủy chỉ đạo UBND Thành phố chuẩn bị trình Hội đồng Nhân dân các chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp, nghỉ việc không lương; đề nghị cán bộ, công chức của thành phố cũng sẽ giảm 50% thu nhập tăng thêm trong năm 2020 để hỗ trợ người lao động mất thu nhập do dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cũng đã báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tổng số trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 9/3 đến 16 giờ ngày 26/3 là 34 ca đã được Bộ Y tế công bố, 07 ca đã xét nghiệm dương tính lần 1, đang chờ Bộ Y tế xét nghiệm khẳng định.

          Số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày là 9.346 người, trong đó tại khu cách ly tập trung của thành phố 8.326 người; tại cơ sở cách ly tập trung quận, huyện 558 người; đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 1.227 người./.
T3G Bệnh viện quận Tân Phú
 

Nguồn:

1. Thủ tướng: tạm dừng mọi hoạt động hội họp, tập trung trên 20 người. Tác giả Đức Tuấn. Báo điện tử chính phủ ngày 27/03/2020. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Tam-dung-moi-hoat-dong-hoi-hop-tap-trung-tren-20-nguoi/391030.vgp

2. Thành phố Hồ Chí Minh hy sinh các lợi ích ngắn hạn để phòng chống Covid-19. Tác giả Bùi Thị Xuân Anh. Báo điện tử Tin kinh tế, Thông tấn xã Việt nam ngày 26/03/2020. https://bnews.vn/tp-hcm-hy-sinh-cac-loi-ich-ngan-han-de-phong-chong-covid-19/151743.html
 


  
  

Tin mới

Liên kết website

Bản đồ vị trí