Chào mừng đến với trang thông tin Bệnh viện quận Tân Phú

SỐNG KHOẺ VỚI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG KHI BIẾT VẬN ĐỘNG THỂ DỤC ĐÚNG CÁCH

SỐNG KHOẺ VỚI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG KHI BIẾT VẬN ĐỘNG THỂ DỤC ĐÚNG CÁCH

Lợi ích của việc vận động trong bệnh đái tháo đường

Bên cạnh những lợi ích thông thường của việc vận động đúng cách như giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, tăng chất lượng cuộc sống…; hoạt động thể dục đúng cách sẽ giúp cho chúng ta kiểm soát được lượng đường máu tốt hơn thông qua giảm đề kháng insulin, làm tăng tiêu thụ glucose ở mô cơ, và giảm thừa cân, béo phì. Đặc biệt là giảm đường huyết sau ăn hiệu quả hơn. Hoạt động thể lực còn giúp chúng ta kiểm soát được tình trạng lipid máu như làm tăng HDL-Cholesterol (mỡ tốt) và giảm LDL-Cholesterol (mỡ xấu), giúp kiểm soát huyết áp tốt.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng phải kết hợp cả vận động và chế độ dinh dưỡng luôn đi cùng nhau. Nếu ăn quá nhiều hơn việc vận động thì việc tiêu thụ calo sẽ không còn hiệu quả nữa và tất nhiên việc kiểm soát đường huyết sẽ rất khó khăn. Như vậy điều này cũng cho thấy rằng việc vận động thường xuyên, đúng cách trong đái tháo đường là một trong những điều then chốt để kiểm soát đường huyết dễ dàng và ổn định hơn.

2. Các bài tập, phương pháp hợp lý:

Để đạt được hiệu quả và an toàn trong vận động chính là lựa chọn phương pháp và bài tập đúng. Đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về bài tập vận động mà bạn dự định thực hiện. Đôi khi những bệnh kèm theo ngoài bệnh đái tháo đường sẽ cản trở việc vận động đúng cách và làm trầm trọng các triệu chứng, cũng như biến chứng của bệnh.

Để việc vận động mang lại hiệu quả cao, ngăn ngừa hạ hay tăng đường huyết bất thường, bạn cần thực hiện vận động tích cực sau bữa ăn 30 phút. Hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường được khuyến cáo vận động thể dục mức độ trung bình đến nặng từ 150 phút/mỗi tuần, ít nhất 3 buổi/tuần cách ngày. Bạn không nên để cơ thể có 2 ngày liên tục không vận động thể dục. Bạn có thể chọn lựa bất cứ bài tập, môn thể thao nào phù hợp với thể trạng, tuổi, sự yêu thích của mình như:

-  {C}{C}{C}{C}Chạy bộ, đạp xe, bơi lội, dưỡng sinh, yoga… Các bài tập có tính nhịp điệu sẽ có tác dụng tiêu thụ năng lượng, ngăn chặn sự gia tăng đường huyết, có thể cải thiện chức năng của insulin nếu duy trì trong thời gian dài.

-  {C}{C}{C}{C}Tập tạ, gym, hít đất, gập bụng… Các bài tập có tính rèn luyện cơ bắp có tác dụng tăng sức mạnh thể chất, sự trao đổi chất cơ bản được cải thiện và cơ thể sẽ dễ dàng đốt cháy chất béo, tiêu thụ khá nhiều calo.

-  {C}{C}{C}{C}Một số bài tập đơn giản hơn như đi bộ, nâng vật vừa sức tại chỗ, duỗi thẳng chân tay đơn giản, nhón chân và giữ khoảng 5 giây… tất cả đều mang lại hiệu quả tốt trong kiểm soát đường huyết. Tất nhiên khi vận động phải là vận động tích cực, có hoạt động tích cực.

Thời gian cho mỗi bài tập tối thiểu là 30 phút hoặc tối thiểu là 4.000 bước chân đối với bài tập đi bộ mỗi ngày. Đối với những bài tập cần kỹ thuật như bơi lội, dưỡng sinh, yoga, tập tạ,….bạn cần tham gia ít nhất 1 lớp học để có kỹ thuật tập đúng.

Việc đi bộ chính là bài tập đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao nhất cho mọi người, kể cả những bạn bận rộn công việc, không đủ thời gian cho việc tập luyện chuyên sâu hơn. Đây là loại hoạt động thể lực không chiếm nhiều thời gian, không gian nhưng lại là một trong số các bài tập có lợi nhất đối với bệnh nhân đái tháo đường vì nó giúp cho các nhóm cơ lớn vận động lặp đi lặp lại có kèm theo tăng sử dụng oxy, giúp kiểm soát đường máu tốt hơn, giảm các biến chứng của đái tháo đường, nhất là bệnh tim mạch và đột quỵ. Đồng thời, nó cũng giúp bạn kiểm soát được cân nặng và duy trì thể lực dẻo dai.

Nếu chưa quen trong thời gian đầu, bạn có thể tạo nhiều bảng nhắc nhở và dán ở những nơi thường đi lại. Bên cạnh đó có thể thêm cột mục tiêu đạt được, trị số đường huyết mỗi ngày. Như vậy bạn sẽ có thêm nhiều động lực hơn trong việc vận động tích cực của mình. Để duy trì tập thể lực, bạn nên kêu gọi gia đình và người thân cùng nhau luyện tập với mình. Trước hết, việc tập thể lực thành nhóm sẽ dễ dàng hơn là tự vận động một mình. Thứ nữa, nó sẽ tạo động lực cho nhau và đây chính là cách duy trì luyện tập thường xuyên.

3. Lưu ý quan trọng:

Bạn phải dừng ngay việc luyện tập khi tình trạng thể chất có dấu hiệu xấu, ngay cả khi vừa bắt đầu tập luyện hoặc nếu cảm thấy cơ thể yếu trong khi tập luyện. Hãy ngừng ngay việc luyện tập và cần đến bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe cũng như phương pháp, bài tập vận động đó có bị quá sức đối với hiện trạng bệnh của bạn hay không. Nếu cường độ luyện tập quá yếu, chẳng hạn thời gian đi bộ ít, hiệu quả tập luyện sẽ không tăng. Và ngược lại, nếu cường độ tập luyện quá nặng, sẽ tác động mạnh lên tim và điều đó là rất nguy hiểm. Bạn nên áp dụng chế độ vận động với cường độ luyện tập khi bản thân vẫn cảm giác rằng “có thể tiếp tục nói chuyện”.

Việc tập luyện chỉ có hiệu quả tốt khi bạn thực hiện mỗi ngày như một thói quen thông thường, hay ít nhất là cách ngày”

Kết hợp công nghệ hiện đại trong vận động thể lực

"Cách mạng Công nghiệp 4.0" đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Cùng với đó là sự ra đời của các thiết bị hiện đại nhằm hỗ trợ tối ưu trong vận động thể lực. Với thiết bị nhỏ gọn đeo trên tay thay thế đồng hồ thông thường, bạn có thể cài đặt nhắc nhở thời gian tập luyện, quan sát được số bước chân đã đi được trong ngày, nhịp tim hiện tại và trước đó, cường độ hoạt động và tập luyện trong ngày, số calo tiêu thụ trong ngày, theo dõi giấc ngủ... Đặc biệt hơn hết là thiết bị này còn bao gồm tính năng cập nhật tình trạng sức khỏe của bạn cho người thân thông qua ứng dụng điện thoại cũng như gởi cảnh báo cho người thân khi bạn gặp phải sự cố trong lúc vận động thể lực. Việc sử dụng thiết bị này cũng khá đơn giản nhưng sẽ hỗ trợ cho việc vận động của bạn được đúng cách nhất, an toàn và hiệu quả nhất.

Tóm lại, việc tập luyện, vận động đúng cách dù chỉ đổ mồ hôi một chút cũng giúp người bệnh có tinh thần phấn khởi và thoải mái. Thời gian đầu có thể tập luyện nhẹ nhàng, điều quan trọng là phải duy trì tập luyện thường xuyên.

Hãy luôn nhớ rằng: Vận động thể dục đúng cách chính là cách thức tốt nhất để bạn sống khỏe trong bệnh đái tháo đường!

 

Nguồn tham khảo:

1. Lifestyle Management: Standards of Medical Care in Diabetes – 2022

2. Bộ Y tế: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Đái tháo đường típ 2 – 2017.

3. Nội tiết học trong thực hành lâm sàng – 2016.

 

 

 

Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Quận Tân Phú



  
  

Liên kết website

Bản đồ vị trí